Mở rộng hợp tác quốc tế
Với nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thu hút đầu tư và phát triển ở ngành bán dẫn, sản xuất chip điện tử, cũng như hợp tác với các quốc gia đi đầu về lĩnh vực này.
Nổi bật trong số này là việc nâng cấp mối quan hệ song phương lên mức Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ vào tháng 9-2023, khi Tổng thống Joe Biden thăm cấp nhà nước Việt Nam.
Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc mở ra thời cơ hợp tác giữa Việt Nam và các công ty chip điện tử hàng đầu của Mỹ.
Theo báo cáo lĩnh vực công nghệ ICT của Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố vào tháng 5-2023, Việt Nam đứng thứ ba về doanh số xuất khẩu chip bán dẫn sang Mỹ, sau Malaysia và Đài Loan.
Việt Nam cũng thuộc nhóm dẫn đầu về gia tăng xuất khẩu chip tới Mỹ, bên cạnh Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia. Nhưng góp công lớn về thành tích xuất khẩu ấn tượng này là các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Tập đoàn Intel.
""" "Chúng ta có những người trẻ năng động, trí tuệ, rất phù hợp với các ngành công nghệ cao như bán dẫn. Thêm vào đó, Việt Nam rất chủ động và sẵn sàng cho các cơ hội mới. Chính điều này khiến doanh nghiệp Mỹ cực kỳ ấn tượng với Việt Nam" - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng nói về việc Washington quan tâm hợp tác với Việt Nam về công nghệ cao. |
>>>Xem thêm: https://hcit.edu.vn/truong-cao-dang-cong-thuong-ha-noi-chinh-thuc-mo-nganh-vi-mach-ban-dan
Hiện nay, Bộ Ngoại giao Mỹ đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc tìm kiếm cơ hội phát triển và đa dạng hóa hệ sinh thái chất bán dẫn toàn cầu.
Cơ chế hợp tác này thuộc Quỹ đổi mới và an ninh công nghệ quốc tế (ITSI), được thành lập qua Đạo luật Chip và Khoa học 2022 của Mỹ.
Trong tài liệu phát tháng 9-2023, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định hợp tác với Việt Nam sẽ giúp tạo ra một chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu an toàn, bền vững và dẻo dai hơn.
Phía Mỹ nhận định các sản phẩm hiện nay, từ xe cộ cho tới thiết bị y tế, đều ngày càng phụ thuộc vào chất bán dẫn như một trụ cột của kinh tế toàn cầu.
Trong đó, Việt Nam là đối tác đầy hứa hẹn về việc đảm bảo chuỗi cung ứng bán dẫn đa dạng và dẻo dai hơn.
"Bằng cách phát huy thế mạnh sẵn có của Việt Nam về lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói, quan hệ hợp tác này sẽ xác định thêm các cơ hội và thu hút đầu tư, mở rộng lực lượng lao động kỹ thuật ở hai nước", tài liệu của chính quyền Mỹ nêu.
Bên cạnh Mỹ, một cường quốc bán dẫn khác là Hà Lan cũng rất quan tâm hợp tác với Việt Nam.
Ngày 2-11-2023, ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho BE Semiconductor Industries N.V (BESI), công ty chuyên thiết kế và sản xuất thiết bị bán dẫn Hà Lan.
Theo kế hoạch, BESI sẽ tiến hành lắp đặt thiết bị trong năm 2024 trước lúc đi vào vận hành một năm sau đó.
Sự kiện này diễn ra đồng thời với chuyến thăm hai ngày đầu tháng 11-2023 tới Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Đi cùng ông Rutte là phái đoàn gần 30 doanh nghiệp công nghệ cao Hà Lan, với mục tiêu trọng tâm xoay quanh ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Rutte, lãnh đạo hai nước đã nhất trí khai thác tối đa các tiềm năng hợp tác về công nghệ cao, thiết bị bán dẫn, xây dựng hệ sinh thái viễn thông, chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Hiện nay, ngoài Tập đoàn Intel, các tập đoàn đa quốc gia khác đổ vốn vào ngành bán dẫn Việt còn có Samsung, Qualcomm, Texas Instruments, SK Hynix, Hayward Quartz Technology, Synopsys và NXP Semiconductors.
>>>Xem thêm: https://hcit.edu.vn/sinh-vien-nganh-vi-mach-ban-dan-chua-nhan-bang-da-duoc-nhan-lam-viec
Thử thách đợi chờ
Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, chip điện tử là trái tim và khối óc của kinh tế thế giới. Điều này khiến chất bán dẫn (semiconductor), vật liệu quan trọng trong sản xuất chip điện tử, trở thành nhân tố không thể thiếu trong thời đại hiện nay.
Dù đã thu hút được nhiều công ty công nghệ hàng đầu, Việt Nam vẫn mới được biết tới như địa điểm đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm chip.
Về lâu dài, Việt Nam chắc chắn tìm cách nâng cao vai trò trong chuỗi sản xuất. Thậm chí vào cuối tháng 10, Hãng tin Reuters khẳng định Việt Nam đang đàm phán xây dựng nhà máy sản xuất chip trong nước đầu tiên.
Tuy nhiên, việc cạnh tranh thu hút đầu tư ngành sản xuất chip dĩ nhiên không đơn giản. Song song với tham vọng ấy là đòi hỏi cao về chính sách, định hướng và nguồn nhân lực.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Stephen Olson - chuyên gia kinh tế khu vực tại Quỹ Hinrich và hiện theo dõi chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu - nhận định việc nâng cấp quan hệ với Mỹ sẽ không là yếu tố thay đổi cuộc chơi cho Việt Nam vì nó không đi kèm cam kết cụ thể nào.
"Sự phát triển của ngành bán dẫn phụ thuộc vào quyết định của các công ty hơn là tuyên bố của chính phủ" - ông nói.
Bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng đầu tư Natixis, cũng cho biết hiện nay Việt Nam cần cạnh tranh với nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á và cả ở châu Âu.
Theo bà Herrero, cả trong Đông Nam Á, Việt Nam cũng gặp khó vì Malaysia và Singapore có nguồn nhân lực tốt hơn. "Việt Nam sẽ cần thời gian để cạnh tranh với họ. Tương tự, Ba Lan cũng là đối thủ mạnh vì họ có rất nhiều kỹ sư", bà nói với Tuổi Trẻ.
Hồi giữa năm 2023, Intel - nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ có hoạt động tại Việt Nam - đã công bố khoản đầu tư mới trị giá 4,6 tỉ USD để xây nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip bán dẫn tại Ba Lan.
Dù đối diện nhiều thách thức nhưng phần lớn giới quan sát kinh tế lâu năm trong khu vực vẫn tỏ ra lạc quan về tiềm năng đầu tư và phát triển ngành chip bán dẫn ở Việt Nam.
>>>Xem thêm: https://hcit.edu.vn/truong-cao-dang-dao-tao-ban-dan-duoc-khong
Một điểm lạc quan chung của giới quan sát dành cho Việt Nam vẫn là thực tế về xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam.
Nói như ông Olson, bản thân việc đón được việc dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đã chứng minh niềm tin mạnh mẽ vào nhân lực và các nguồn lực khác của Việt Nam, cũng như sức hút tổng thể của Việt Nam ở tư cách một nền tảng sản xuất.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh với Tuổi Trẻ về nhu cầu chuẩn bị cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực cho đường dài, vì cuộc cạnh tranh ở ngành này rất khốc liệt, cần thời gian.
Khi nói về tham vọng xây nhà máy sản xuất chip bán dẫn đầu tiên ở Việt Nam, ông Olson nhận định đây là con đường dài và khó khăn, vì những bên sản xuất chip lâu nay có vị trí xuất phát tốt và rào cản đầu vào rất cao.
Trong khi đó, chi phí liên quan đến việc thiết lập và vận hành ngành này rất lớn, sẽ phải mất nhiều năm trước khi bất kỳ cơ sở mới nào sẵn sàng đi vào hoạt động, kể cả khi giả định rằng Việt Nam có đủ lực lượng lao động tay nghề cao.
"TSMC đã trì hoãn các kế hoạch tại Mỹ, một phần do hoài nghi về việc liệu có đủ lao động lành nghề hay không" - ông nói.
"Không gì có thể được thực hiện chỉ sau một đêm. Cải thiện hệ thống giáo dục và khả năng tiếp cận giáo dục sẽ rất quan trọng trong việc đảm bảo lực lượng lao động tay nghề cao. Việc học hỏi càng nhiều càng tốt từ các công ty đẳng cấp thế giới đang hoạt động tại Việt Nam cũng là điều quan trọng.
Điều này bao gồm cả chuyên môn công nghệ cũng như bí quyết quản lý. Chính phủ cần phải làm mọi thứ trong khả năng để đảm bảo rằng các quy tắc và quy định đơn giản và rõ ràng…" - ông Olson nói thêm.
Mỹ hỗ trợ Việt Nam thiết kế chip, đào tạo nhân lựcTrong chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Mỹ vào tháng 9-2023, lãnh đạo Tập đoàn thiết kế chip Synopsys và đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch. Trong đó, Synopsys sẽ hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), giúp nâng cao năng lực thiết kế vi mạch và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. Ngoài ra, Synopsys sẽ hỗ trợ Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông lập kế hoạch thành lập viện nghiên cứu bán dẫn tại Việt Nam. Cũng nhân chuyến công tác của Thủ tướng, Cadence Design Systems và Intel - hai tập đoàn lớn của Mỹ và Đại học bang Arizona, cam kết giúp Việt Nam tăng năng lực thiết kế chip bán dẫn, đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ cao. |
Thu hút FDI vào bán dẫn cần "thảm đỏ mới"Cho đến nay, chúng tôi đã đầu tư 1,5 tỉ USD vào Việt Nam, bao gồm khoản đầu tư được công bố gần đây nhất là 475 triệu USD vào tháng 1-2021. Việt Nam tiếp tục là một phần quan trọng trong hoạt động sản xuất toàn cầu của chúng tôi và Intel sẽ tiếp tục đầu tư vào nhà máy ở đây. Hiện tại, nhà máy ở Việt Nam đang sản xuất thế hệ sản phẩm mới nhất cho khách hàng, bộ xử lý Raptor Lake và bộ xử lý Meteor Lake sắp ra mắt, chiếm hơn 50% sản lượng các nhà máy lắp ráp và kiểm định chất lượng trên toàn cầu. Nhà máy Intel Products Việt Nam không chỉ tập trung vào các khoản đầu tư ngắn hạn.
| |
Chúng tôi đã và đang hỗ trợ Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh trong khu vực, và mang đến Việt Nam một hệ sinh thái toàn diện hơn, kể cả tạo ra một hệ sinh thái năng động và bền bỉ. Để đạt được điều này, chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ trong việc nâng cao kỹ năng cho nguồn nhân lực, cải tiến hệ thống giáo dục, đảm bảo các cơ quan Chính phủ tiếp cận được những góc nhìn phát triển bền vững mang tính thực tiễn cao. Đồng thời hỗ trợ Chính phủ tận dụng công nghệ và blockchain một cách tốt nhất để quy trình lưu thông hàng hóa của chúng tôi với Tổng cục Hải quan Việt Nam mượt mà và nhanh chóng hơn. Sự ổn định của hệ thống chính trị - xã hội, lực lượng lao động trẻ và có trình độ, vị trí địa lý tuyệt vời ở trung tâm châu Á với khả năng tiếp cận trực tiếp các tuyến thương mại và kênh vận chuyển quan trọng là những yếu tố chính để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư. Để thu hút thêm nhà đầu tư, tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam nên xem xét lại các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay, nhất là thuế suất ưu đãi. Cũng như Việt Nam, các quốc gia đang thu hút nhiều vốn FDI khác như Philippines, Malaysia, Indonesia… đều tập trung vào việc sử dụng các chương trình về thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ và thu hút các nhà đầu tư. Hiện nay, chúng ta có thể thấy các tin tức về việc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ làm mới những chương trình ưu đãi dành cho doanh nghiệp đang được chia sẻ rộng rãi. Việc hiện đại hóa các chương trình ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là một hành động thiết yếu mà Chính phủ Việt Nam cần làm để hỗ trợ doanh nghiệp, bên cạnh lợi thế về tối ưu chi phí lao động và sự ổn định về chính trị. Thứ hai, khi mới đến Việt Nam, chúng tôi được hỗ trợ giải pháp một điểm dừng. Tất cả quy trình thủ tục hành chính đều được tinh gọn lại và chúng tôi có thể đi vào thực hiện các kế hoạch kinh doanh một cách nhanh chóng. Tuy vậy, thời gian qua đi, mọi thứ cũng dần thay đổi với nhiều thử thách hơn. Hiện tại các thủ tục phê duyệt được chia ra cho nhiều bộ ngành phụ trách. Vì vậy, chúng tôi cũng đã trao đổi với Chính phủ rất nhiều và mong rằng có thể nhận được thêm sự hỗ trợ từ Chính phủ để có thể tinh gọn các quy trình, thủ tục hành chính. Không chỉ để duy trì số lượng các doanh nghiệp FDI hiện có, mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp FDI trong tương lai. Về tham vọng của Việt Nam muốn tham gia sâu vào hoạt động sản xuất chip bán dẫn, cũng như trở thành một trong những trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất chip trong tương lai, tôi nghĩ chiến lược của Chính phủ Việt Nam và một số doanh nghiệp trong nước là một bước đi phù hợp. Chính điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của hệ thống giáo dục và cơ sở hạ tầng. Nhưng tất cả phải dựa trên sự sẵn sàng của cơ sở hạ tầng và nguồn lực, tránh tham vọng quá mức và đầu tư vào một lĩnh vực không thật sự hiệu quả về chi phí. |
(Theo Tuổi trẻ online)