logo
TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG THƯƠNG HÀ NỘI
HA NOI COLLEGE OF INDUSTRY AND TRADE
Tiến sĩ Vũ Thế Dũng: Dạy học online và những hiểu lầm tai hại
E-Learning (giáo dục trực tuyến, hay dạy học online) có những giá trị, vẻ đẹp rất riêng, nhưng cũng đang có những hiểu lầm tai hại, nhất là trong thời điểm dịch virus corona mà hình thức giảng dạy, học tập này được nói đến rất nhiều. Theo quan sát của Tiến sỹ Vũ Thế Dũng, có thể tạm phân việc ứng dụng E-Learning của các trường hiện nay thành 5 bậc.

E-Learning (giáo dục trực tuyến, hay dạy học online) có những giá trị, vẻ đẹp rất riêng, nhưng cũng đang có những hiểu lầm tai hại, nhất là trong thời điểm dịch virus corona mà hình thức giảng dạy, học tập này được nói đến rất nhiều.

Học sinh học online tại nhà

Để có thể áp dụng E-Learning (dạy và học online) một cách hiệu quả, cần hiểu rõ về hình thức giảng dạy, học tập này.

E-Learning là gì?

Thực ra việc hiểu E-Learning, những ứng dụng của nó trong giảng dạy ở Việt Nam còn chưa được hiểu một cách đầy đủ và sâu sắc. Trong quan sát của tôi, có thể tạm phân việc ứng dụng E-Learning của các trường hiện nay thành 5 bậc.

Bậc 1 gồm 100% lớp học truyền thống. Ở bậc 2, E-Learning chỉ là nền tảng lưu trữ và chia sẻ một số tài nguyên học tập. Ở, bậc 3, E-Learning được sử dụng rộng rãi hơn, nhiều tài nguyên hơn, nhưng lớp học trực tiếp vẫn là chủ đạo.

Ở bậc 4, E-Learning kết hợp trong phương thức và triết lý giáo dục, và trở thành một thành phần quan trọng của quá trình tổ chức lớp học với các triết lý như lớp học đảo ngược (flipped classroom). Đây là bậc cao. Ở mức độ này, có sự hiểu biết và đầu tư mạnh của lãnh đạo nhà trường, nhưng E-Learning vẫn chỉ là công cụ dạy và học chứ chưa thay đổi cấu trúc và mô hình vận hành của nhà trường.

Tuy nhiên, ở bậc 5, trường học đã thực sự chuyển đổi số hoàn toàn (digitalization) mô hình hoạt động của mình từ học tập, giảng dạy, quản lý, chất lượng. Ở bậc này nó thực sự thay đổi cách tiếp cận và chất lượng giáo dục.

Các bậc của E-Learning

Hầu hết các trường ở Việt Nam, theo quan sát chủ quan của tôi, đang ở bậc 1, 2. Số ít ở bậc 3. Bậc 4 diễn ra ở một số môn học, ở một số trường lớn nhưng chưa mang tính hệ thống.

Dù đã xuất hiện khá lâu (khoảng 13-15 năm) ở Việt Nam nhưng ứng dụng của E-Learning vẫn khá thấp. Lý do cơ bản theo tôi là do số đông lãnh đạo và giảng viên đều là các thầy giáo “truyền thống”, chưa trang bị kỹ năng số và cũng ngại vượt ra khỏi vùng an toàn của chính mình. Cái cần bây giờ là giúp họ có được trải nghiệm sâu sắc với E-Learning, đào tạo kỹ năng số cho họ và động viên họ dám dấn thân thôi!

Trên thực tế, các doanh nghiệp đã có bước tiến khá xa trong ứng dụng E-Learning vì tính hiệu quả, chất lượng của nó. Thử tưởng tượng các doanh nghiệp có văn phòng, nhà máy, chi nhánh ở 10 tỉnh thành, và cần đào tạo cho 200 nhân viên thì học online trở thành 1 phương án hiệu quả như thế nào.

https://hcit.edu.vn/thong-bao-tuyen-sinh-dao-tao-tu-xa/

Vẻ đẹp của E-Learning

E-learning có quá nhiều lợi ích cho giáo viên, học sinh và nhà trường. Đầu tiên, đây là một phương thức tổ chức kiến thức hiệu quả và dân chủ. Cái hay nhất của E-Learning chính là một nền tảng tổ chức, chia sẻ và lưu trữ thông tin, kiến thức một cách rất hệ thống và dân chủ. Thử tưởng tượng, lúc 6 giờ sáng, tôi đọc được một bài báo hay có liên quan đến môn học, thì 5 phút sau, nếu đưa lên E-Learning, tất cả học viên tham gia khóa học đều có thể xem được bài báo đó và cùng thảo luận. Cũng như vậy, khi có được một tài liệu tốt, các học viên cũng có thể ngay lập tức chia sẻ. Đây chính là không gian học tập dân chủ và lành mạnh nhất.

Tiếp theo, nó cho phép chúng ta dạy và học ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Học viên ở mọi nơi, trong nước và quốc tế. Học viên có thể học bài vào bất cứ lúc nào thuận tiện với họ, học bao nhiêu lần cũng được, theo tốc độ và trí thông minh của mình. Lớp học truyền thống bắt buộc mọi người cùng học ở một thời điểm và vị trí, với cùng một tốc độ như nhau nên kém hiệu quả ở góc độ này.

Điều tiếp theo là việc chuẩn hóa chất lượng. Sau khi các nội dung giảng dạy được xây dựng và đưa lên hệ thống, thì nó minh bạch và trở nên chuẩn hóa. Giảng viên từ đó có thể liên tục cải tiến chất lượng, nhà trường cũng dễ dàng hơn trong việc quản lý và đảm bảo chất lượng.

E-Learning cũng giải phóng giảng viên rất tốt. Thử tưởng tượng bạn dạy cùng một môn học cho 3 lớp/học kỳ, 2 học kỳ/năm, trong 5 năm liên tục, bạn sẽ dễ dàng trở thành “thợ dạy”. Với E-Learning thì khác. Sau khi đầu tư nghiêm túc cho các bài giảng và tài nguyên số, thì bạn được giải phóng để liên tục cải tiến và sáng tạo những nội dung mới cho môn học của mình. Sau khi học viên đã học những nội dung cơ bản, thì thời gian trên lớp có thể hoàn toàn dùng để thực hành, ứng dụng, và nâng cao. Mặt khác, khi học viên có những câu hỏi, giảng viên có thể tổng hợp và tạo ra một câu trả lời chuẩn trên hệ thống, cứ như thế nội dung môn học liên tục được cập nhật và cải tiến.

E-Learning cũng tiết kiệm chi phí rất rõ. Chi phí ( tài chính, thời gian, khả năng tiếp cận, nguồn lực khác) dành cho việc học thấp đi đáng kể đối với học viên. Đối với nhà trường, chi phí quản lý và tổ chức lớp học cũng giảm đáng kể. Học viên ở các vùng sâu, vùng xa đều có thể tham gia các khóa học trên E-Learning.

Các hiểu lầm về E-Learning

Nhưng việc dạy và học E-Learning đang gặp phải những hiểu lầm tai hại. Đầu tiên, nhiều người quan niệm cách giảng dạy này có chất lượng thấp. Ở bậc 1, 2, 3 thì chất lượng thấp là đúng, nhưng do người dùng, do giáo viên, chứ không do E-Learning. Ngược lại, E-Learning chất lượng rất cao. Rất nhiều trường quốc tế và doanh nghiệp quốc tế đã xây dựng hệ thống riêng của mình. Về chuyện này nhiều doanh nghiệp đang đi trước các trường khá xa.

Tiến sĩ Vũ Thế Dũng trong một buổi dạy E-Learning

Nhiều người cũng nói rất nhiều về chuyện kém tương tác giữa giáo viên và học viên. Điều này không hoàn toàn đúng. Thực ra về mức độ thì hình thức này tương tác cao hơn vì học viên, giáo viên có thể trao đổi, trả lời, chia sẻ 24/7/365. Các hệ thống Live streaming (giảng dạy thời gian thực) hiện nay cho chất lượng một buổi lên lớp thời gian thực rất tốt, không kém gì các lớp học truyền thống, mà ưu điểm hơn là học viên và giảng viên không phải di chuyển và có thể xem lại buổi học bất cứ lúc nào.

Chi phí công nghệ, thiết bị có đắt như nhiều người lầm tưởng không? Không! Chi phí ngày càng rẻ cho cả phía giảng viên và học sinh.

Giảng viên cũng sẽ bị mất bản quyền khi dạy và học online? Điều này là khá buồn cười. Rất nhiều giảng viên chưa có được một nội dung số nào nhưng rất sợ bị mất bản quyền. Trong khi các nội dung của các giảng viên này cũng hầu hết tham khảo từ các nguồn khác. Thực ra nội dung hiện nay quá nhiều và miễn phí khắp nơi, nên vấn đề này thực chất không phải là một vấn đề. Mặt khác, các hệ thống E-Learning đều có các lớp bảo mật nên cũng không quá đáng lo ngại. Tôi còn nghĩ rằng nếu bài giảng của tôi có người chịu lấy, chia sẻ và có người chịu xem thì còn đáng ăn mừng!

(Theo Thanh niên )

Khách hàng đánh giá
5.0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%

Chia sẻ nhận xét về sản phẩm

Đánh giá và nhận xét

Gửi nhận xét của bạn

      Bình luận
      Gửi bình luận
      Bình luận