Ngày 5-4, Đại học Huế đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Tiềm năng và thách thức trong đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn".
Buổi tọa đàm có sự tham dự của hai chuyên gia các công ty vi mạch bán dẫn hàng đầu là ông Nguyễn Thế Hiển (tổng giám đốc Công ty DreamBig Semiconductor Việt Nam) và ông Bùi Quang Ngọc (giám đốc điều hành cấp cao Công ty Marvell Việt Nam), cùng hơn 500 sinh viên đến từ các trường đại học thành viên và khoa thuộc Đại học Huế.
Tại buổi tọa đàm, ông Bùi Quang Ngọc nói rằng các công ty vi mạch trên thế giới hiện nay đang hoạt động theo xu hướng fabless (không có nhà máy sản xuất) nhưng vẫn tạo ra được giá trị rất lớn vì sở hữu các sản phẩm trí tuệ có biên độ lợi nhuận cao.
Quá trình thiết kế và sản xuất sản phẩm vi mạch trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, trong đó các kỹ sư ở Việt Nam đã và đang tham gia vào hầu hết các giai đoạn này.
"Kỹ sư Việt Nam được đánh giá cao về sự sáng tạo, cần cù, trung thực và cởi mở trong quá trình làm việc. Các kỹ sư vi mạch ở Việt Nam cũng đang dần tham gia vào các phần quan trọng nhất của thiết kế vi mạch, bao gồm thiết kế hệ thống, thiết kế các vi mạch phức tạp", ông Ngọc nói.
>>>Xem thêm: https://hcit.edu.vn/truong-cao-dang-cong-thuong-ha-noi-chinh-thuc-mo-nganh-vi-mach-ban-dan
Theo ông Ngọc, hiện nay nhu cầu lao động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn đang rất lớn, cả trong và ngoài nước. Nhiều công ty sẵn sàng đưa ra những đãi ngộ ngàn đô để mời gọi kỹ sư Việt về đầu quân trong lĩnh vực này.
Còn ông Nguyễn Thế Hiển nói rằng ở Việt Nam đang có hơn 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip, với tổng số lao động hơn 5.000 kỹ sư và đang có xu hướng tăng lên theo thời gian.
Ông Hiển cho biết hiện nay các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn đang tìm đến các trường đại học để cùng chung tay đào tạo đội ngũ lao động, kỹ sư chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu công việc, nâng cao tầm vóc của người Việt trong lĩnh vực công nghệ này.
"Từ đó chúng ta có thể nghĩ đến ngày kỹ sư Việt làm chủ các công đoạn quan trọng trong chu trình thiết kế chip, đặc biệt là kiến trúc, thiết kế và kiểm thử chip", ông Hiển nói.
Ông Hiển cũng cho biết sau buổi tọa đàm này, Công ty DreamBig Semiconductor Việt Nam sẽ mở chương trình đào tạo về kiến trúc, thiết kế, và kiểm tra IP.
Chương trình sẽ tuyển 30-40 sinh viên đang theo học các ngành liên quan đến lĩnh vực vi mạch và bán dẫn tại Đại học Huế để đào tạo, sớm cung ứng nhân lực cho công ty cũng như các đơn vị có nhu cầu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và trong cả nước.
>>>Xem thêm: https://hcit.edu.vn/truong-cao-dang-dao-tao-ban-dan-duoc-khong
Ông Bùi Văn Lợi, phó giám đốc Đại học Huế, nói rằng đơn vị hiện nay dồn tối đa nguồn lực để tập trung đào tạo ngành vi mạch bán dẫn.
Trong năm 2024, Đại học Huế đã mở mới 2 chuyên ngành đào tạo liên quan đến bán dẫn là ngành công nghệ thiết kế vi mạch tại khoa kỹ thuật và công nghệ và ngành công nghệ bán dẫn tại Trường đại học Khoa học.
"Với sự hợp tác chặt chẽ cùng các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, chúng tôi tin rằng Huế sẽ sớm trở thành nơi đào tạo và cung cấp nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển công nghệ thông tin, tự động hóa trên cả nước", ông Lợi nói.
(Theo Tuổi trẻ online)