Dân trí – Khi dịch Covid-19 phức tạp, trường nghề cũng phải chuyển sang hình thức học online. Tuy nhiên, những môn kỹ thuật khó tiếp cận bằng cách học online là thách thức rất lớn với các trường nghề.
Vào ngày 6/5, UBND TPHCM có chỉ đạo tạm ngừng các hoạt động dạy- học, hoạt động giáo dục trực tiếp tại các đơn vị, cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TPHCM từ ngày 10/5. Ngay sau đó, các trường nghề trên địa bàn TPHCM đã tiến hành công tác chuẩn bị chuyển việc học sang hình thức online.
Ghi nhận tại trường Cao đẳng Kỹ Nghệ II vào chiều 7/5, phần đông học sinh của trường đã được cho học online tại nhà và chỉ có một vài lớp học thực hành còn học sinh đi học.
Theo chỉ đạo của UBND TP, các hoạt động dạy học không thể tổ chức dạy trên mạng như thí nghiệm, thực tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn được tổ chức nhưng đảm bảo thực hiện đầy đủ theo Bộ tiêu chí.
Theo tiến sĩ Bùi Văn Hưng, Phó hiệu trưởng của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, hiện tại nhà trường đang có 8 khoa, 5 phòng ban, 5 trung tâm với 128 cán bộ, viên chức và khoảng 3.900 sinh viên đang theo học tại các khoa.
Ông cho biết: “Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chúng tôi đã chủ động cho các em sinh viên nghỉ ở nhà học online. Việc này đã thực hiện trước khi UBND TPHCM có quyết định về việc tạm ngưng các hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục trực tiếp tại các cơ sở giáo dục từ ngày 10/5/2021 nên không khí nhà trường mới vắng như vậy”.
Cũng theo ông Hưng, nhà trường cũng đã ban hành quy định yêu cầu đội ngũ giảng viên, người lao động, học sinh – sinh viên phải tuân thủ việc đeo khẩu trang và thực hiện theo chỉ thị 5K của Bộ Y tế khi đến trường để phòng dịch.
Cùng với đó, phía nhà trường cũng tổ chức nhiều đợt kiểm tra đột xuất. Nếu phát hiện trường hợp cá nhân hay đơn vị nào vi phạm thì sẽ xử lý kỉ luật. Trong trường hợp, đơn vị hay cá nhân để xảy ra tình trạng bùng phát dịch ở trường dẫn đến việc đóng cửa thì đơn vị, cá nhân đó sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Sinh viên Ngô Quang Nam (20 tuổi, học khoa điện lạnh) cho biết: “Hiện nhà trường đã thông báo cho sinh viên ở nhà học trực tuyến, chỉ có những môn thực hành thì bọn mình mới phải lên trường để học”.
Cũng theo Nam, khi vào trường sinh viên sẽ được đo nhiệt độ, dùng nước sát khuẩn để rửa tay; trong lớp, các giảng viên cũng sắp xếp sinh viên ngồi cách nhau 2m và luôn nhắc nhở việc đeo khẩu trang.
Cũng đến từ khoa điện lạnh, sinh viên Đinh Tiến Phát Đạt (20 tuổi) lại bày tỏ lo lắng: “Ngành của mình là chuyên về kỹ thuật, nếu học online thì mình không thể nắm chắc kỹ thuật như học trực tiếp”.
Giải thích việc này, tiến sĩ Bùi Văn Hưng, Phó hiệu trưởng của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cho biết trường đã có nhiều sự chuẩn bị từ kinh nghiệm trong những đợt dịch trước.
Với một số môn kỹ thuật khó tiếp cận bằng cách học online, nhà trường đã chuẩn bị nhiều phương án bổ sung. Như môn hàn điện, nhà trường đầu tư thiết bị máy hàn ảo, khi sử dụng thiết bị đó trên máy tính thì nó mô phỏng gần như 85 – 90% cách hàn thực tế.
Ngoài ra, giảng viên còn quay các clip minh họa sinh viên thực hành trực tiếp tại trường để khi đưa vào giáo trình dạy trực tuyến thì sinh viên có thể nắm được động tác cơ bản, không có nhiều khoảng cách so với thực tế.
“Nhiều sinh viên cũng thắc mắc là không biết sau khi học online thì có phải học lại chương trình, kiến thức đó trên lớp nữa không. Hiện tại, chúng tôi đang có phương án là sau khi kết thúc học online thì đồng thời kết thúc môn học mà không cần phải đào tạo lại”, ông Hưng cho biết thêm.
Nam Thái – Xuân Hinh