logo
TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG THƯƠNG HÀ NỘI
HA NOI COLLEGE OF INDUSTRY AND TRADE
Trường đại học lo ngại điều gì khi sinh viên học trực tuyến?
Hôm nay 22/2, gần 200 trường đại học bắt đầu dạy học trực tuyến cho sinh viên vì dịch Covid-19. Vậy việc dạy học trực tuyến có hiệu quả, nhà trường lo ngại điều gì nếu học trực tuyến kéo dài?

Dân trí – Hôm nay 22/2, gần 200 trường đại học bắt đầu dạy học trực tuyến cho sinh viên vì dịch Covid-19. Vậy việc dạy học trực tuyến có hiệu quả, nhà trường lo ngại điều gì nếu học trực tuyến kéo dài?

GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam

GS.TS. Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp:“Ảnh hưởng rất lớn tới ý thực tự học của người học”

Ở thời điểm đầu năm 2020, khi quyết định chuyển từ hình thức tổ chức giảng dạy trên giảng đường sang giảng dạy trực tuyến vấn đề đầu được đặt ra với các cơ sở giáo dục đại học chưa có kinh nghiệm trong tổ chức đào tạo từ xa như Trường Đại học Lâm nghiệp chính là cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, công cụ giảng dạy trực truyến, gói cước internet mà sinh viên sử dụng, khả năng tiếp cận phương pháp giảng dạy trực tuyến của Giảng viên và mức độ thích ứng của Sinh viên…

Tuy nhiên, đến thời điểm này khi các vấn đề nêu trên đã được giải quyết và Nhà trường chính thức tổ chức giảng dạy trực tuyến từ ngày 22/02/2021 thì vấn đề về chất lượng giảng dạy đã và đang là vấn đề được chú trọng hàng đầu.

Để giải được bài toán đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Lâm nghiệp đã quyết định chỉ tổ chức giảng dạy trực tuyến các nội dung kiến thức lý thuyết; các nội dung thí nghiệm, thực hành, các học phần giáo dục thể chất…đã được Nhà trường điều chỉnh kế hoạch tổ chức khi sinh viên quay trở lại trường học tập trung.

Trong tổ chức giảng dạy, Nhà trường cho đã bố trí một giảng đường với đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy trực tuyến gồm trên 20 phòng học để giảng viên vì lý do nào đó không thể giảng dạy ở nhà, ở khoa, bộ môn có thể đăng ký giảng dạy.

Bộ phận thanh tra đào tạo được cấp tài khoản để có thể tham gia vào các lớp học trong khoảng thời gian cho phép để thanh tra hoạt động dạy và học của thầy và trò; hàng tuần báo cáo Lãnh đạo nhà trường các vấn đề phát sinh để có giải pháp điều chỉnh phù hợp.

Với cách làm này, chúng tôi khẳng định chất lượng học tập không bị ảnh hưởng nhiều, minh chứng rõ ràng nhất là kết quả thi học kỳ II năm học 2019-2020 của sinh viên Đại học Lâm nghiệp không thấp hơn so với các học kỳ, năm học khác mặc dù đề thi vẫn được rút ra từ ngân hàng đề thi của nhà trường.

Về bảo vệ khóa luận, đồ án tốt nghiệp online, với Trường Đại học Lâm nghiệp, ngoài Chương trình tiên tiến ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên (liên kết với Trường đại học Bang Colorado – Hoa Kỳ) được tổ chức bảo vệ luận văn bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp thì các chương trình khác đều được bảo vệ bằng hình thức họp trực tiếp.

Kinh nghiệm tổ chức cho thấy việc tổ chức bảo vệ trực tiếp luôn được ưu tiên vì mức độ tương tác giữa các thành viên hội đồng và giữa các hội đồng và sinh viên cao hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh của dịch bệnh, sự di chuyển của các thành viên hội đồng bị ảnh hưởng thì hình thức bảo vệ trực tuyến cũng là một sự lựa chọn phù hợp.

Vấn đề mà chúng tôi lo ngại nhất khi tố chức giảng dạy trực tuyến kéo dài chính là khả năng tiếp cận của người học đối với nguồn học liệu của nhà trường bởi không phải tài liệu nào cũng tìm được triên internet và giáo viên cũng không thể gửi hết tài liệu cho người học trước khi tổ chức lớp học. Điều này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới ý thực tự học của người học (một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng trong đào tạo tín chỉ).

PGS.TS Vũ Thị Hiền – Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương: “Triển khai các hoạt động bổ trợ để giúp sinh viên tránh trầm cảm”

Không thể khẳng định phương thức học trực tuyến là phương thức học kém chất lượng hơn học trực tiếp, vấn đề là phương thức này có một số điều kiện đảm bảo chất lượng khác biệt so với phương thức học trực tiếp, trong đó tập trung vào 3 yếu tố: Cơ sở hạ tầng công nghệ, trang thiết bị và học liệu, Phương pháp sư phạm công nghệ và hệ thống hỗ trợ về phương pháp, kỹ năng và tâm lý cho người học.

Những khác biệt này đòi hỏi giảng viên, sinh viên, nhà trường phải thay đổi, thích nghi để đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến. Nếu quá trình này thực hiện tốt thì chất lượng đào tạo sẽ đảm bảo và chúng ta không phải lo ngại về lượng kiến thức thu lượm được.

PGS.TS Vũ Thị Hiền – Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương

Trong thời gian qua, với kinh nghiệm từ việc triển khai Chương trình đào tạo cử nhân trực tuyến theo mô hình tiên tiến từ năm 2018, Trường Đại học Ngoại thương đã chuẩn hóa quy trình, xây dựng các hướng dẫn cho giảng viên và cho sinh viên, hoàn thiện hệ thống và công cụ hỗ trợ giảng dạy trực tuyến, do đó, hệ thống đào tạo của nhà trường đã thích ứng rất nhanh với bối cảnh Covid.

Việc ứng phó nhanh của các trường đại học trong việc chuyển sang đào tạo trực tuyến khi dịch bệnh Covid diễn ra khiến cho tiến độ học tập của sinh viên không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Nhưng nhìn tổng thể cả chương trình đào tạo, các trường cũng cần có những điều chỉnh về tiến độ chung để đảm bảo các nội dung khó đào tạo trên nền tảng trực tuyến như thí nghiệm, thực hành,… có thể triển khai khi sinh viên quay trở lại học tập trung.

Việc điều chỉnh kế hoạch đào tạo phù hợp sẽ giúp các trường vẫn đảm bảo được tiến độ học tập và tốt nghiệp cho các em. Đến thời điểm này Trường Đại học Ngoại Thương vẫn đảm bảo được tiến độ học tập của sinh viên các khóa. Yếu tố trước tiên tạo thuận lợi cho trường đó là phương châm xuyên suốt trong xây dựng chương trình của trường là Căn bản – Mở – Linh hoạt.

Tính mở và tính linh hoạt đã giúp sinh viên có nhiều lựa chọn môn học phù hợp với điều kiện cá nhân trong bối cảnh mới, kể cả sinh viên trao đổi nước ngoài khi bị mắc kẹt vì Covid vẫn có nhiều lựa chọn khi công nhận tín chỉ.

Bên cạnh đó là những giải pháp sáng tạo của trường trong đào tạo như hỗ trợ sinh viên thực tập theo mô hình blended, tổ chức các cuộc thi trực tuyến, ngoài hệ thống LMS hiện có trường sử dụng thêm các nền tảng trực tuyến dễ tiếp cận đối với sinh viên như Microsoft Teams để phù hợp với điều kiện học tập khác nhau ở các vùng miền,…

Tuy nhiên, có lẽ điều mà các nhà giáo dục sẽ thấy lo ngại khi triển khai đào tạo trực tuyến là tâm lý của giảng viên, đặc biệt là của sinh viên trong các chương trình đào tạo tập trung.

Việc thiếu tương tác trong môi trường thực sẽ khiến sinh viên bị hạn chế điều kiện để học hỏi và thực hành những kỹ năng, thái độ ứng xử nghề nghiệp và cuộc sống cần thiết cho tương lai sau này. Việc truyền cảm hứng từ giảng viên, bạn bè đến từng sinh viên qua môi trường mạng là tương đối khó khăn, ảnh hưởng đến động lực trong học tập và lòng yêu nghề của các em.

Ngoài ra, sinh viên chỉ giao tiếp qua môi trường mạng khiến một số lượng sinh viên nhất định gặp những vấn đề tâm lý không tốt như trầm cảm, sa đà vào mạng xã hội hay các nhóm không lành mạnh,… Do đó, các trường đại học cũng phải triển khai các hoạt động bổ trợ khác để khắc phục những khó khăn này.

Trường Đại học Ngoại Thương đã thực hiện rất đa dạng các chương trình bổ trợ cho sinh viên từ năm thứ nhất đến năm cuối để giúp cho sinh viên tăng cường kết nối tổ chức nghề nghiệp và cộng đồng, khám phá bản thân, phát huy năng lực, tự học để có thể thích nghi với những biến đổi của xã hội.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông Vận tải

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông Vận tải:Học trực tuyến kéo dài sinh viên sẽ thụ động và thiếu tính tự giác”

Việc học trực tuyến là thay đổi hình thức truyền đạt kiến thức theo chương trình đào tạo. Nên việc học trực tuyến sẽ không ảnh hưởng đến kiến thức trong chương trình. Hai là hiện nay một số nền tảng và phần mềm hỗ trợ đã giúp cho việc tương tác nhiều hơn và nâng cao hơn trong giảng dạy, kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên, do hình thức trao đổi gián tiếp nên khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức của người học, việc này rất cần sự tự giác của người học và sự tương tác tốt của giảng viên.

Việc học trực tuyến là việc thực hiện đảm bảo tiến độ theo kế hoạch năm học trong thời gian dịch bệnh, nên về cơ bản sẽ đảm bảo tiến độ theo yêu cầu chung.

Tuy nhiên, còn có một số việc chưa thực hiện trong quá trình học trực tuyến đó là thi hết học kỳ, một số học phần thực hành, thí nghiệm, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng phải thực hiện trực tiếp, nên có ảnh hưởng đến kế hoạch năm học, nhưng kinh nghiệm của năm học trước, việc này nếu kéo dài vẫn điều chỉnh đảm bảo tiến độ chung.

Về việc bảo vệ luận văn trực tuyến có hiệu quả, đối với các trường hợp học viên cao học bảo vệ luận văn hoặc đối với bậc đại học bảo vệ đồ án, việc bảo vệ trực tuyến vẫn có thể thực hiện được, vì vừa qua nhà trường đã cho một số em sinh viên bảo vệ với hội đồng là các giảng viên nước ngoài.

Do đó, việc bảo vệ bằng hình thức trực tuyến không ảnh hưởng đến chất lượng của luận văn và đồ án, vì quá trình chuẩn bị đồ án, luận văn là quá trình tích lũy kiến thức, là điều quan trọng. Do vậy, trong quá trình thực hiện của đồ án, luận văn phải thí nghiệm sẽ có ảnh hưởng.

Điều tôi lo lắng khi kéo dài học trực tuyến là việc học tập trực tuyến kéo dài sẽ dẫn đến việc sinh viên sẽ thụ động và thiếu tính tự giác, khi tính tương tác trực tiếp giảm sẽ dẫn đến việc hoàn thiện con người trong học tập rèn luyện giảm.

Ngoài ra việc học trực tuyến kéo dài cũng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch chung và nhiều hoạt động khác của nhà trường, lâu dài nữa ảnh hưởng đến tiến độ, kế hoạch năm học, chương trình đào tạo và chất lượng đào tạo.

Hồng Hạnh

Khách hàng đánh giá
5.0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%

Chia sẻ nhận xét về sản phẩm

Đánh giá và nhận xét

Gửi nhận xét của bạn

      Bình luận
      Gửi bình luận
      Bình luận