Năm 2020, Trường cao đẳng Công thương Hà Nội có 426 học sinh lớp 12 – hệ đào tạo 02 văn bằng (Mô hình 9+) đã đỗ tốt nghiệp THPT xấp xỉ 100%, trong đó có nhiều học sinh có điểm thi rất cao.
Có thí sinh đạt 9,75 điểm môn Lịch sử
PGS.TS. Ngô Kim Khôi, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Trường cao đẳng Công thương Hà Nội có 426 học sinh lớp 12 – hệ đào tạo 02 văn bằng (Mô hình 9+) của trường được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội chỉ định dự thi tốt nghiệp tại 5 điểm thi khác nhau: Trường THPT Nhân Chính (82 học sinh); Trường THPT Trần Hưng Đạo (81 học sinh); Trường THPT Hoàng Mai (182 học sinh); Trường THCS Việt Nam – Angieri (60 học sinh) và Trường THCS Khương Đình (20 học sinh).
Căn cứ kết quả thi của học sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 27/08/2020, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của Nhà trường đạt gần như tuyệt đối, xấp xỉ 100%, cao hơn so với tỷ lệ tốt nghiệp bình quân chung của cả nước trên 1,0%.
Nhiều học sinh của Trường cao đẳng Công thương Hà Nội đạt điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 rất cao, như: em Nguyễn Đức Trường (lớp 12A1) có điểm môn Lịch sử đạt 9,75 điểm và môn Địa lý đạt 9,25 điểm; em Đặng Diệu Linh (lớp 12A5) có điểm môn Giáo dục công dân đạt 9,5 điểm; em Vũ Đức Dũng (lớp 12A1) có điểm môn tiếng Anh đạt 9,40 điểm; em Cao Hải Anh (lớp 12A1) và em Nguyễn Mạnh Cường (lớp 12A4) đều có điểm môn Ngữ văn đạt 8,75 điểm; em Lê Hoàng Tuấn có điểm môn Toán đạt 8,60 điểm;….
Thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của Nhà trường là em Nguyễn Mạnh Cường (lớp 12A4) đạt 24,88 điểm; Á khoa 1 là em Lê Thu Hương (lớp 12A15) đạt 24,30 điểm và Á khoa 2 là em Nguyễn Hoàng Lương (lớp 12A1) đạt 23,68 điểm.
PGS.TS. Ngô Kim Khôi, cũng cho biết tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019, tỷ lệ học sinh lớp 12 – Hệ đào tạo 02 văn bằng (Mô hình 9+) của trường đỗ tốt nghiệp đạt xấp xỉ 97,5%, cao hơn 3,44% so với tỷ lệ tốt nghiệp bình quân chung của cả nước năm 2019 (94,06%).
Được biết, từ năm 2016, Trường cao đẳng Công thương Hà Nội là một trong những trường cao đẳng đầu tiên được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí điểm tuyển sinh và tổ chức đào tạo hệ 02 văn bằng theo mô hình 9+.
Những học sinh hệ đào tạo này vừa học chương trình giáo dục nghề nghiệp do Trường cao đẳng Công thương Hà Nội đảm nhiệm, vừa học chương trình giáo dục THPT do Trường THPT Hoàng Mai (liên kết với Trường cao đẳng Công thương Hà Nội) đảm nhiệm. Thời gian đào tạo là 4 năm học.
Sau 03 năm học cấp THPT, khi tốt nghiệp các em được nhận bằng tốt nghiệp THPT do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nôi cấp và học sinh học tiếp 01 năm để nhận bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng do Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công thương Hà Nội cấp. Sau khi có bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng, các em có thể đi làm hoặc có thể học liên thông lên đại học.
Mô hình 9+ là đào tạo gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp
Theo ông Vũ Xuân Hùng – Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy (Tổng cục giáo dục nghề nghiệp), đào tạo theo mô hình 9+ không những tạo những điều kiện thuận lợi cho người học, mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp. Bản chất của đào tạo theo mô hình 9+ là đào tạo gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và thị trường lao động.
Việc rút ngắn thời gian đào tạo của mô hình này là so sánh với cùng đối tượng người học sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trung học phổ thông sau đó học trung cấp, cao đẳng rồi học lên đại học, chứ không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Người học vừa được học văn hóa theo chương trình THPT, vừa được học chuyên môn theo ngành nghề đã đăng ký theo học, thời gian học tập lý thuyết và thực hành đan xen nhau, giảm tải thời lượng văn hóa và lý thuyết nghề, tăng dần thời gian thực hành, thực tập; đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ theo quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu năng lực người đạt được sau khi tốt nghiệp (chuẩn đầu ra) của từng ngành nghề.
Ông Hùng cho biết, học sinh học chương trình 9+ sớm được tiếp cận, trải nghiệm và học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp ngay tại trường và doanh nghiệp và sớm tiếp cận với tác phong làm việc công nghiệp và công nghệ sản xuất tại doanh nghiệp.
Đây được xem như một giải pháp thiết thực nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng” mà Nghị quyết 29-NQ/TW đề ra.
Hồng Hạnh
Xem bài viết trên Báo Dân trí: https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/truong-cd-cong-thuong-ha-noi-426-hoc-sinh-mo-hinh-9-do-tot-nghiep-thpt-20200829084455445.htm