Theo Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT, nhiều bạn chọn ngành học theo nguyện vọng của bố mẹ mà bỏ qua yếu tố đam mê, năng lực.
Ông Đỗ Cao Bảo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT chia sẻ về cách lựa chọn nghề nghiệp của sinh viên, cũng như cơ hội việc làm cho sinh viên trong kỷ nguyên 4.0.
Ông chia sẻ thế nào về cách lựa chọn nghề nghiệp của học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay?
Rất nhiều phụ huynh và học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay mắc sai lầm trong cách lựa chọn nghề nghiệp. Trên thế giới, từ hàng trăm năm trước đã chú trọng tới hướng nghiệp. Hơn hết, họ hiểu rất rõ, mỗi người có một sở trường nhất định, không ai giỏi toàn diện, không ai dốt toàn phần. Họ biết cách định hướng nghề nghiệp theo năng lực, sở trường đam mê từ rất sớm, chậm nhất thì đến cấp ba học sinh sẽ được tham gia các khóa định hướng chọn nghề, chọn trường nào là phù hợp.
Việt Nam hiện chưa làm tốt điều đó. Hầu hết phụ huynh và học sinh, sinh viên chọn nghề nghiệp theo tiêu chí nghề này hot, nghề kia dễ xin việc, lương cao… thậm chí có người nói vì nhà nghèo nên phải học những ngành nghề miễn học phí, hay vì bố mẹ làm ngân hàng nên con cũng học ngân hàng. Mọi người đều bỏ qua yếu tố năng lực, đam mê trong khâu lựa chọn ngành, nghề phù hợp.
Giới trẻ cần làm gì để tìm thấy đam mê?
– Thực tế, có người dễ tìm ra đam mê, có người phải mất một thời gian mới tìm ra hoặc cần có sự tư vấn của đội ngũ hướng nghiệp.
Hơn hết, lớp trẻ bây giờ cần được định hướng sớm để khơi gợi đam mê, hoặc chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường. Mặt khác, bạn phải tin rằng, ai cũng giỏi ở một khía cạnh nào đó. Chọn đúng sở trường thì đi làm sẽ thấy như đi chơi và dễ thăng tiến. Ngược lại, nếu bạn không giỏi Toán, thích ca hát mà vì bố mẹ nên phải chọn ngành kế toán thì rất cực khổ, lại khó có thể thành công và thăng tiến trong sự nghiệp.
Trong trường hợp không biết rõ mình muốn gì, bạn có thể tham khảo chọn học những ngôi trường giúp bạn có thể khơi gợi sự đam mê, khám phá bản thân, hoặc chọn một ngành nghề theo kịp xu thế và phù hợp với năng lực bản thân.
Trong 5 năm tới, những ngành nghề nào sẽ hot ở Việt Nam, thưa ông?
Theo khảo sát năm 2018 của IDC, chuyển đổi số (digital transformation) đang trở thành chiến lược tại các doanh nghiệp, tổ chức trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Gần 90% doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi số với các bước khác nhau từ tìm hiểu, nghiên cứu, cho tới bắt đầu triển khai, thực hiện. Hơn 30% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát xem chuyển đổi số là vấn đề sống còn, xác nhận hiệu quả trên nhiều khía cạnh như thấu hiểu khách hàng, tăng năng suất lao động, tăng tốc sáng tạo…
Chuyển đổi số liên quan đến mọi ngành nghề trong xã hội, không đơn thuần là lập trình. Có rất nhiều công việc khác liên quan đến chuyển đổi số như trợ lý nhập dữ liệu, xử lý dữ liệu, phân tích, kiểm tra dữ liệu. Như vậy nghĩa là, có sẽ nhiều vị trí công việc khác nhau trong chuyển đổi số.
Tiếp đó là trí tuệ nhân tạo. Cũng như chuyển đổi số, AI không phải chỉ có lập trình, mà cần rất nhiều ngành nghề khác tham gia. Ví dụ, Hệ chữa bệnh bác sĩ sẽ cần kiến thức của chuyên gia, phải có người đi đúc kết kiến thức của bác sĩ giỏi thành quy luật, đưa vào máy, nhập dữ liệu, sinh ra nghề đi dạy (dạy máy, dạy robot, trí tuệ nhân tạo)…
Vậy ngành nghề nào sẽ dễ mất đi trong kỷ nguyên 4.0?
– Bất cứ cuộc cách mạng công nghiệp nào đều sinh ra máy móc mới, năng suất hiện đại hơn, công nghệ cao hơn, những ngành nghề không phù hợp sẽ bị đào thải. Đơn cử, khi có máy hơi nước, máy xúc máy ủi, những công việc chân tay như gánh nước, xúc đất sẽ không còn nữa. Hay ngày xưa đi xe người kéo, ngựa kéo nhiều, ô tô ra đời thì những việc đó sẽ tự mất đi, nhưng xã hội sẽ tự điều chỉnh họ đi làm việc khác nên cũng không quá lo lắng về việc làm. Vấn đề là ở những bước chuyển đổi, người nào bám đường cũ thì sẽ khổ.
Mặt khác, người nào nắm bắt được thời cơ thì sẽ có bước ngoặt là đón đầu và thành công, trở nên giàu có hơn. Người nào chạy sau thì dù mới đầu giàu rồi cũng thành nghèo nếu không chịu thay đổi.
Xã hội ngày nay thay đổi với tốc độ chóng mặt, nhưng hầu hết mọi người không nhận ra điều đó. Thành công chỉ đến với người nhận ra và thay đổi theo, người nhận ra nhưng không thay đổi thì cũng khó thành công.
Học sinh, sinh viên cần làm gì để có thể gia nhập chuyển đổi số, thưa ông?
Có một thực tế là sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng chú trọng giảng dạy kiến thức kết hợp các tiếng Anh, thực hành, kỹ năng mềm khi ra trường thường rất tự tin, linh hoạt, khả năng thích ứng tốt, tác phong làm việc teamwork chuyên nghiệp.
Đặc biệt, các chương trình quốc tế như của trường Đại học Swinburne Vietnam có sự đầu tư lớn về tiếng Anh, giáo trình giảng dạy, thương hiệu tốt, sinh viên tốt nghiệp ra trường xin việc rất dễ. Vấn đề là làm sao để thay đổi được tự duy của các bậc phụ huynh, cũng như học sinh, sinh viên trong việc chọn đúng trường có thể phát huy hết năng lực, sở trường, khơi gợi đam mê người học.
(Theo VnExpress)