Đó là tâm sự của cô Nguyễn Thị Mỹ Phương (Tiền Giang) giành giải nhất cuộc thi “Tôi chọn nghề” năm 2020 kể về quyết định khi con trai bỏ học đại học để học nghề bếp.
Chiều ngày (22/1) tại TPHCM, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) đã tổ chức trao giải cuộc thi Viết “Tôi chọn nghề” lần 2. Cuộc thi này do Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp và báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức.
Theo ban tổ chức, trong 8 tháng diễn ra mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, cuộc thi đã nhận được hơn 300 bài dự thi của các tác giả trên mọi miền đất nước gửi về. Đáng chú ý, đối tượng tham gia gửi bài dự thi khá đa dạng. Bên cạnh phần nhiều là học sinh tự kể câu chuyện chọn nghề của mình còn có nhiều bậc phụ huynh kể đã để con em mình chọn nghề như thế nào….
Theo đánh giá của Ban giám khảo, các bài thi đã bám sát yêu cầu, chủ đề của cuộc thi. Một số câu chuyện thật đã thu hút người đọc và giàu cảm xúc. Đặc biệt, câu chuyện chân thật của tác giả Nguyễn Mỹ Phương, giáo viên trường tiểu học ở Tiền Giang mang tên “Cú bẻ lái ngoạn mục” đã giành giải nhất với phần thưởng 30 triệu đồng.
Bài thi là những chia sẻ giàu cảm xúc của một người mẹ từng suy sụp khi con từ bỏ con đường vào ĐH y để đi học nghề bếp đến khi thấu hiểu và ủng hộ lựa chọn của con mình.
Như nhiều bậc cha mẹ, cô Mỹ Phương luôn kỳ vọng con trai Nguyễn Phương Toàn của mình bước vào trường đại học. Đứa con trai của cô vốn là học sinh trường chuyên luôn đạt kết quả học tập cao nên cô luôn mong con mình theo đuổi vào đại học y. Thế nhưng khi con tâm sự ” Mẹ ơi! Con không học đại học. Mẹ cho con chọn nghề bếp mẹ nhé!” cô đã cảm thấy cả bầu trời như sụp đổ dưới chân mình.
Vượt qua sự thúc ép của người mẹ, Toàn bắt đầu cuộc sống tự lập để nuôi dưỡng ước mơ trở thành đầu bếp. Toàn đã nỗ lực đạt giải cao trong các cuộc thi tay nghề trẻ cấp thành phố, cấp quốc gia và tiến xa hơn là cuộc thi Tay nghề trẻ Đông Nam Á năm 2018. Dù chưa giành huy chương tại Asean skills 2018 nhưng Toàn có nhiều cơ hội việc làm tốt sau khi tốt nghiệp.
Sắp tới đây Toàn được vào làm việc một trong những du thuyền lớn nhất của Mỹ với mức lương khá cao. Chứng kiến sự nỗ lực của con mình, cô Mỹ Phương luôn hối hận vì đã không ủng hộ con trai mình từ sớm.
Phát biểu khi nhận giải, cô Mỹ Phương chia sẻ: “Tôi hy vọng xã hội, các bậc phụ huynh có cái nhìn thay đổi về trường nghề. Nhờ có trường nghề mà xã hội có những những người thợ giỏi góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nước nhà. Tôi mong rằng các bậc làm cha làm mẹ hãy để cho con cái được sống với khát vọng của tuổi trẻ. Đừng giống như tôi suýt chút nữa đã “bóp nát” đam mê của con mình. Hơn tất cả thông điệp tôi muốn gửi đến các bạn trẻ đó là: “Học giỏi chưa chắc thành công nhưng chọn đúng nghề và giỏi với nghề chắc chắn thành công”.
Ngoài giải nhất được trao cho cô Mỹ Phương, ban tổ chức cũng đã trao giải nhì cho tác giả Đoàn Thị Ngọc Anh với tác phẩm “Nghị lực nơi đất khách”; giải 3 trao cho Lê Thái Anh Thư với tác phẩm “Không phải đại học mới giúp ta thành công”.
Bên cạnh đó, 3 tác giả cùng đạt giải khuyến khích gồm Tạ Ngọc Diệp với tác phẩm “Đậu đại học vẫn chọn trường nghề”, Lê Đăng Tú với tác phẩm “Hãy cứ khát khao”, Đặng Đông Hải Duy với tác phẩm “Tôi đã sai lầm”.
Dịp này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng trao tặng giấy khen cho 8 tập thể đã tích cực hưởng ứng tham gia cuộc thi.
Lê Phương