Khi điều kiện kinh tế – xã hội ngày càng phát triển, thì càng nhiều chị em phụ nữ thành đạt trong sự nghiệp, nhiều chị em phụ nữ khẳng định được vai trò và địa vị của mình trong xã hội, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp,…
Đối với nhiều phụ nữ, công việc xã hội đã chiếm phần lớn quỹ thời gian và sức lực của họ. Vì thế, họ không còn đủ quỹ thời gian, công sức cho công việc gia đình, như: lau dọn nhà cửa, nữ công gia chánh, chợ búa, cơm nước, chăm sóc trẻ em, người già, bệnh nhân, người thân, dạy dỗ con cái, … nên nhu cầu xã hội đặt ra là rất cần những người giúp việc được đào tạo một cách chuyên nghiệp.
Xuất phát từ thực tế và nhu cầu đó, Trường cao đẳng Công thương Hà Nội (thuộc Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội ) đã xây dựng chương trình đào tạo ngành “Dịch vụ chăm sóc gia đình”, với mục tiêu: Đào tạo người lao động có năng lực làm việc độc lập, biết ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc; có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp và có sức khỏe để làm việc trong lĩnh vực dịch vụ chăm sóc gia đình chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động trong và ngoài nước; hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn, đi du học hoặc xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Ông Ngô Kim Khôi, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công thương Hà Nội cho biết, nội dung chương trình đào tạo, các kiến thức, kỹ năng cần thiết của ngành Dịch vụ chăm sóc gia đình bao gồm:
– Làm sạch được nhà cửa và các đồ dùng vật dụng trong gia đình; bố trí, sắp xếp nhà cửa theo đúng yêu cầu, đảm bảo an toàn và có tính thẩm mỹ bằng phương pháp thủ công;
– Sử dụng các máy móc, thiết bị, vật dụng phổ biến trong gia đình (máy giặt, máy hút bụi, máy ủi đồ, máy rửa bát, bếp ga, nồi cơm điện…),
– Xây dựng thực đơn; Chế biến các món ăn cho bữa cơm gia đình, đồ uống thông thường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phù hợp với khẩu vị;
– Chăm sóc, dạy dỗ trẻ nhỏ, đưa đón trẻ đến trường và có hiểu biết về việc sử dụng các loại thuốc chữa bệnh thông thường; chăm sóc người già, bệnh nhân trong gia đình;
– Chăm sóc được vườn cây và vật nuôi trong gia đình đúng kỹ thuật và đảm bảo vệ sinh, an toàn;
– Phát hiện và xử lý được một số sự cố xảy ra trong sinh hoạt và đời sống của gia đình đảm bảo an ninh và an toàn cho gia đình.
Theo ông Khôi, sau khi tốt nghiệp, người học có thể làm việc tại nhiều vị trí khác nhau như: Dịch vụ chăm sóc tại gia đình (giúp việc nhà; chăm sóc người già, người ốm, trẻ nhỏ; Dịch vụ chăm sóc tại các Trung tâm cung ứng dịch vụ chăm sóc gia đình, các cơ sở dưỡng lão, các cơ sở dịch vụ chăm sóc các đối tượng xã hội, người tàn tật, làng SOS; Tự mở các cơ sở hoặc trung tâm cung cấp dịch vụ giúp việc gia đình, nghề nội trợ, nghề tự chăm sóc và quản lý gia đình; xuất khẩu lao động ra nước ngoài;…
Nhật Hồng