Học nghề 9+ là giải pháp đột phá của giáo dục nghề nghiệp.
Luật Giáo dục sửa đổi (có hiệu lực từ 1/7/2020) có những tác động đến công tác tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp. Điểm mới đáng chú ý là HS tốt nghiệp lớp 9 có thể đăng ký học hệ CĐ chính quy. Tổng thời gian học là 4 năm, bao gồm các môn học văn hóa.
Theo ông Đồng Văn Ngọc- Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, từ năm 2019 trở về trước, nhà trường rất ít thu hút đối tượng HS tốt nghiệp THCS, bởi việc bảo đảm đào tạo chất lượng cao. Từ năm nay, khi Luật cho phép đào tạo nghề và dạy văn hóa, trường xây dựng chiến lược đào tạo, cam kết về chất lượng chương trình học tập văn hóa, trong đó có đào tạo những hạt nhân điển hình. Các HS tốt nghiệp lớp 9 đăng ký học hệ CĐ nghề trong 2 năm đầu được miễn học phí học nghề và chỉ phải trả học phí học văn hóa theo quy định chung của địa phương. Mức học phí khoảng 200.000 đồng/tháng, một năm học 10 tháng. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo văn hóa, kinh phí nhà nước không còn cấp bù, nhà trường sẽ thu học phí học nghề là 940.000 đồng/tháng, cam kết không thay đổi học phí trong khóa học…
Trên thực tế thời gian qua, một số trường trung cấp, CĐ của hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang thí điểm tuyển sinh và đào tạo HS hoàn thành bậc THCS- thường được gọi là mô hình 9+. Đây được xem như một giải pháp đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau bậc THCS, giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho cả người học cũng như xã hội; mở ra thêm con đường lập thân, lập nghiệp cho giới trẻ, đó là mục tiêu mà Chương trình 9+ hướng đến. Đối với HS, mô hình 9+ là một trong những con đường ngắn và phù hợp với năng lực nhiều em để có một nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Thay vì mất thêm 3 năm theo học PTTH, ngay từ khi học xong lớp 9, HS học hệ trung cấp, CĐ và sẽ gia nhập thị trường lao động sớm hơn. Đồng thời, các em vẫn có cơ hội học tiếp lên CĐ, ĐH sau này.
Theo phân tích từ các chuyên gia, trong một xã hội thừa lao động nhưng vẫn thiếu thợ lành nghề đã đến mức báo động, việc lựa chọn được sớm hướng phát triển nghề nghiệp phù hợp chính là tạo ra lợi thế cho người học.
Mục đích hướng tới là như vậy, song hàng năm có khoảng 1,2 triệu HS tốt nghiệp THCS và học tiếp lên THPT vẫn là lựa chọn chủ yếu mà các em hướng tới. Phần lớn các tỉnh/thành đều có lượng HS học tiếp lên THPT với tỉ lệ hơn 70%, thậm chí có địa phương hơn 80% (Hà Nội 75%, TP Hồ Chí Minh 77%…). Ngược lại, việc chọn luồng giáo dục nghề nghiệp chỉ là giải pháp của rất ít HS. Điều này cho thấy công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng trong trường phổ thông chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Và như thế, kỳ vọng về mục tiêu phân luồng 30% vào 2021. (theo tinh thần Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”) vẫn đang ở phía trước.
Có 2 hình thức đào tạo nghề sau THCS: Thứ nhất được học 4 môn văn hóa và được cấp bằng CĐ, không cấp kèm bằng THPT. Nhưng được xác nhận hoàn thành chương trình phổ cập nội dung văn hóa. Hình thức thứ hai, các em được học văn hóa tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên. Với hình thức học này các em được tham gia Kỳ thi THPT quốc gia.