HẬU COVID-19, DOANH NGHIỆP MAY KHÁT NHÂN LỰC CÓ TAY NGHỀ
06/10/2021 - 08:30
Dân trí – Dịch Covid-19 khiến nhiều lao động ngành may mặc bỏ việc, các doanh nghiệp “khát” nhân lực trầm trọng, đặc biệt là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản từ các trường nghề. Không sợ thiếu hàng, chỉ sợ thiếu người
Đầu tháng 10, TPHCM đã chính thức nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành may mặc thở phào nhẹ nhõm. Bởi việc trở về trạng thái “bình thường mới” giúp các doanh nghiệp giảm rất nhiều chi phí sản xuất, lôi kéo lao động về lại doanh nghiệp để làm việc.
Trong thời gian hơn 2 tháng thực hiện sản xuất tập trung tại công ty, nhiều lao động đã bỏ việc, các doanh nghiệp may mặc phải tìm đủ cách để giải bài toán “khát” nhân lực nhằm sản xuất kịp đơn hàng.
Theo ông Lê Văn Hải – Phó tổng giám đốc công ty cổ phần May Phương Nam, ảnh hưởng lớn nhất của Covid-19 đối với ngành may mặc là tình trạng bỏ việc, thiếu lao động, chứ đơn hàng thì rất nhiều.
Những ngày này, công việc của bộ phận nhân sự tại các công ty may mặc rất bề bộn. Họ phải tranh thủ tuyển dụng thêm, liên hệ nhân viên cũ để mời về làm việc, đẩy mạnh năng suất bù vào thời gian gần 3 tháng giãn cách vừa qua. Các doanh nghiệp lo thiếu lao động, không làm kịp đơn hàng sẽ bị đối tác phạt hợp đồng. Ông Lê Văn Hải cho rằng, hỗ trợ lớn nhất mà ngành may mặc mong muốn là thành phố có chính sách tốt để kéo người lao động các tỉnh về lại TPHCM, đảm bảo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế.
Theo ông Trần Anh Tuấn – Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, may mặc là ngành sử dụng rất nhiều lao động. Ngành này luôn thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực được đào tạo bài bản từ các trường nghề.Hiện các doanh nghiệp đang đầu tư máy móc hiện đại nhằm nâng cao năng suất, hạn chế phụ thuộc vào nguồn lao động số lượng lớn. Do đó, họ cần lao động được đào tạo bài bản, vững kiến thức chuyên môn và giỏi kỹ năng để vận hành máy móc tốt hơn, hiệu suất cao hơn.Nhân lực từ trường nghề được ưu tiên.
Theo thạc sĩ Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, trước đây doanh nghiệp may mặc thường đôn công nhân lâu năm lên làm trưởng chuyền để tận dụng nhân công giá rẻ.Tuy nhiên, hiện lợi thế nhân công giá rẻ giảm dần, nhiều xưởng bắt đầu trang bị máy móc công nghệ hiện đại, cần đội ngũ quản lý tốt, có kỹ năng cao, am hiểu công nghệ. Từ đó, doanh nghiệp cần nguồn lao động có chất lượng cao hơn, được đào tạo chuyên nghiệp tại các trường nghề. Ông Lê Văn Hải cũng cho biết, sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp may mặc sẽ phải thay đổi tư duy sản xuất, đẩy mạnh tuyển dụng lao động có tay nghề, trình độ trung cấp trở lên. Theo ông, lực lượng lao động trung cấp được đào tạo kiến thức chuyên môn làm nền tảng mới có thể dễ dàng tiếp cận các máy móc hiện đại, điều hành dây chuyền bằng công nghệ, tăng năng suất lao động. Khi đó, doanh nghiệp mới bớt phụ thuộc vào số lượng lao động.
Ông Hải cũng đề nghị các trường nghề cần chủ động kết nối tốt hơn với các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô lớn, trang bị máy móc hiện đại để đưa sinh viên đến thực tập. Theo ông, các doanh nghiệp lớn đang thay đổi thiết bị thế hệ mới cực kỳ hiện đại mà các trường nghề chưa được đầu tư. Sinh viên tiếp cận những thiết bị này ngay tại doanh nghiệp sẽ được thực hành tốt hơn, nắm vững kỹ năng để nhanh chóng làm được việc sau khi ra trường.
Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho rằng, việc liên kết đào tạo giữa trường nghề và doanh nghiệp là tất yếu, mang lại lợi ích cho nhiều bên.
Trường nghề thì có nơi cho sinh viên thực hành. Doanh nghiệp thì có nguồn nhân lực dự bị chất lượng. Sinh viên thì được thực hành trên thiết bị tiên tiến nhất, ra trường làm được việc ngay.
Ông Trần Anh Tuấn nhận định: “Doanh nghiệp thường không muốn đầu tư vào đào tạo vì tốn chi phí. Nguồn lao động chủ yếu mà doanh nghiệp hướng tới là đến từ các trường nghề, nơi sinh viên được đào tạo kỹ năng thực hành, tốt nghiệp là làm được việc ngay”.