logo
TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG THƯƠNG HÀ NỘI
HA NOI COLLEGE OF INDUSTRY AND TRADE
Đào tạo 9+ “cởi trói” cho trường nghề
Mặc dù thời gian qua, nhận thức của xã hội cũng đã thay đổi. Kèm theo đó, chất lượng dạy, học giáo dục nghề nghiệp cũng đã nâng lên. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh học nghề, đặc biệt học nghề 9+ vẫn còn thấp. Để “cởi trói” cho các trường nghề, mới đây Bộ […]

Mặc dù thời gian qua, nhận thức của xã hội cũng đã thay đổi. Kèm theo đó, chất lượng dạy, học giáo dục nghề nghiệp cũng đã nâng lên. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh học nghề, đặc biệt học nghề 9+ vẫn còn thấp.

Để “cởi trói” cho các trường nghề, mới đây Bộ LĐTBXH đã cho triển khai thí điểm việc đào tạo mô hình học nghề 9+ cao đẳng (CĐ).

Động lực để hút học sinh

Thực chất mô hình đào tạo nghề 9+ không mới, nó xuất phát từ đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS ở các trung tâm giáo dục thường xuyên. Tuy không mới nhưng không phải phụ huynh, học sinh nào cũng biết.

Mới đây, gặp gỡ các phụ huynh có con thi tốt nghiệp THPT tại Trường THPT Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội), phóng viên có dịp trò chuyện với một số bậc cha mẹ mới hay không phải ai cũng biết đến mô hình đào tạo nghề ưu việt này.

Bà Nguyễn Thị Lan (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, Nguyễn Huy Linh – con trai bà hiện đang học nghề 9+ ngành công nghệ

 

ôtô tại Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội. Dự kiến kết thúc chương trình, Linh lấy bằng tốt nghiệp THPT xong sẽ học lên CĐ và đại học. Linh rất thích thú khi được học nghề 9+ tại đây bởi ngành công nghệ ôtô là ngành Linh đam mê, thời gian theo học ngắn, em có thể được vừa học vừa làm.

Đào tạo 9+ “cởi trói” cho   trường nghề  - Ảnh 1.

Dạy nghề công nghệ sửa chữa ôtô tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Nguyệt Tạ

Linh cho biết: “Từ năm thứ 2 em đã được đi thực tập tại các doanh nghiệp, được doanh nghiệp trả tiền lương tập sự. Ước mơ sau này của em là có thể học lên CĐ, đại học để có thể mở công ty hoặc gara ôtô chuyên bảo hành, bảo dưỡng ôtô”.

Những mã ngành đào tạo nghề 9+ như công nghệ ôtô, chăm sóc sắc đẹp, buồng phòng, du lịch, cơ điện… đang rất phát triển. Đây hầu hết đều là những mã ngành thị trường lao động đang có nhu cầu cao, nhưng thực tế thì không phải phụ huynh hay học sinh nào cũng biết đến và lựa chọn hình thức đào tạo này.

Bà Trần Tú Chi (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm) cũng có con thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Bà Chi dự tính tư vấn cho con học nghề bởi vì thấy con không có năng lực học văn hóa. “Con học kém, nên gia đình muốn cho con học nghề, có lẽ là nghề nấu ăn, hoặc nghề làm đẹp” – bà Chi chia sẻ.

Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý, định hướng để con đi học nghề sớm nhưng bà Chi cùng nhiều phụ huynh khác lại không hề biết hiện nay có nhiều trường đang đào tạo nghề 9+.

“Tôi chưa từng được nghe tư vấn về giáo dục nghề nghiệp. Chỉ nghe qua là giờ có nhiều trường nghề, họ tuyển sinh thẳng không cần thi. Riêng học nghề 9+ thì giờ mới nghe nói. Nếu biết sớm, có khi con học xong lớp 9 cũng đã cho cháu đi học nghề để tiết kiệm thời gian, chi phí, giúp cháu cứng cáp nhanh hơn” – bà Chi nói.

Mặc dù đã tính toán phương án, tư vấn cho con đi học nghề, nhưng bà Lan, bà Chi và nhiều bậc phụ huynh vẫn mong muốn sau khi học, con cái có thể rộng đường lựa chọn, có thể đi làm hoặc học lên nếu muốn.

Ông Nguyễn Đăng Lý – Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM cho rằng, không phải cứ học nghề là người học kém, đó là quan niệm sai lầm. Học nghề cũng phải có năng lực, không phải ai muốn học là cũng được.

 

“Với ưu thế thời gian học ngắn, đầu tư ít, học nghề 9+ cao đẳng đang là xu hướng của xã hội và giúp các trường nghề tuyển sinh được nhiều học sinh hơn” – ông Lý nói.

Vẫn còn nhiều tranh cãi

Mặc dù học nghề 9+ CĐ có nhiều ưu điểm nhưng thực tế, trong quá trình triển khai, chương trình cũng đối mặt với nhiều những ý kiến trái chiều. Một số trường đại học cho rằng học sinh học trung học cơ sở chưa đủ kiều kiện về năng lực để học hệ CĐ. Bởi vậy, các trường đại học sẽ không tiếp nhận học sinh hệ CĐ 9+ học liên thông lên.

Thêm vào đó, nhiều bậc phụ huynh cũng có tâm lý e ngại khi cho con học chương trình 9+ CĐ. Lý do là bởi, chương trình học nghề cao đẳng thường khá nặng, thực hành nhiều không phải học sinh nào cũng theo được. Nhất là khi học sinh tốt nghiệp THCS mới chỉ 14-15 tuổi.

Ngoài những tranh cãi về năng lực cũng như tâm lý của phụ huynh thì chương trình 9+ trung cấp và cả cao đẳng cũng đang đối mặt với nhiều những thách thức. Ông Đỗ Văn Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, “nút thắt” lớn nhất hiện nay chính là việc Bộ GDĐT chưa đưa ra được các văn bản để công nhận, chứng nhận được khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho các đối tượng có nhu cầu học liên thông. Các cơ quan quản lý nhà nước đều phải nghĩ đến việc này và chắc chắn Bộ GDĐT và Bộ LĐTBXH phải khẩn trương xử lý để phụ huynh, học sinh yên tâm. Mặt khác, khối lượng kiến thức được quy định phải phù hợp thực tế hơn chứ không phải như trong Thông tư 16 cũ từ năm 2010.

“Thứ hai, quyền hạn dạy, công nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa cần mở rộng đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng đủ yêu cầu theo quy định của Bộ GDĐT là được dạy và công nhận phần này, chứ không thể để học sinh học một chương trình ở 2 nơi như hiện nay (trường nghề dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên dạy văn hóa)” – ông Giang nói.

Trước ý kiến trên, ông Giản Tư Trung – Viện trưởng Viện Giáo dục IRED cho rằng, câu chuyện từ chối học sinh học nghề liên thông là câu chuyện phi lý. Bởi vì bản chất giáo dục hiện giờ phải là đào tạo là dựa trên năng lực và nhu cầu của xã hội, chứ không phải đào tạo ngành nào, hệ gì, đào tạo ai. Xã hội giờ đã không còn trọng bằng cấp, thay vào đó trọng về năng lực.

“Vấn đề bây giờ là phải đào tạo học cho ra người, cho ra nghề chứ không phải học cho ra bằng” – ông Trung nói. Với lý lẽ này, ông Trung cho rằng, việc thực hiện dạy nghề 9+ CĐ là phù hợp với xu thế của thời đại. Đào tạo nghề 9+ CĐ thực tế cũng chỉ là sự nới rộng cơ chế cho người học, người dạy. Còn việc học trung cấp, hay CĐ, hay đại học thì người học cũng phải đảm bảo điều kiện cần và đủ, phải có tay nghề thì ra thị trường lao động mới chấp nhận.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 24 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Theo đó, chỉ thị cho phép Bộ LĐTBXH xem xét thí điểm đào tạo trình độ 9+ CĐ cho học sinh học xong trung học cơ sở.

Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng đây là cơ sở để chúng ta có thể đạt được mục tiêu phân luồng 30% vào năm 2021. Chỉ thị cũng được xem là cơ hội mở để các trường CĐ đẩy mạnh tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. Nó cũng giúp tạo cú hích để kết nối tạo động lực trong quá trình học tập, giúp học sinh có thể đạt mục đích học tập suốt đời.

Theo thông tin từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện nay học sinh học các chương trình nghề 9+ trung cấp có thể được miễn toàn bộ học phí. Đây là ưu đãi lớn với học sinh theo học giáo dục nghề nghiệp.

 

 

Nhiều phụ huynh vẫn chưa sẵn sàng

“Về chương trình đào tạo thẳng hệ 9+ CĐ, nhà trường đã thăm dò phụ huynh và thấy rằng, nếu cho các em vừa tốt nghiệp THCS vào học CĐ thì cũng hơi quá sức với các em. Học sinh ở hệ này vừa thoát khỏi trung học cơ sở, nếu học ngay hệ CĐ thì kiến thức lớn. Học sinh học CĐ 9+ sẽ được cấp bằng kỹ sư thực hành, thời gian học thực hành sẽ rất là nặng . Đa phần phụ huynh cũng chưa sẵn sàng để cho con học hệ này. Năm 2019 trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội tuyển sinh được 193 học sinh học nghề 9+ trung cấp, năm 2020 này trường đã tuyển được 260 học sinh”.

Bà Phạm Thị Hường – Hiệu trưởng CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội

Học sinh đang bị “làm khó”?

“Học sinh học chương trình này sẽ rất mệt mỏi vì phải “chạy sô”, phải học văn hóa và học nghề ở 2 đơn vị như hiện nay. Lý do là bởi các trường đạo tạo nghề không được phép dạy chương trình văn hóa như THPT, như vậy các em học nghề thì học tại trường nghề còn học văn hóa thì phải học ở trung tâm giáo dục thường xuyên. Theo tôi cần giao quyền và trách nhiệm cho hiệu trưởng trong việc thiết kế chương trình, chuẩn đầu ra. Nếu không đảm bảo được đầu ra thì cắt tuyển sinh của trường đó”.

Ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội

Mỗi năm có 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Có tới 70% trong số này lựa chọn học tiếp lên THPT. Còn lại là học nghề, bỏ học, lao động sớm. Chọn học nghề là giải pháp gần như sau cùng được rất ít học sinh lựa chọn. Thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Nguồn: Danviet.vn

Khách hàng đánh giá
5.0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%

Chia sẻ nhận xét về sản phẩm

Đánh giá và nhận xét

Gửi nhận xét của bạn

      Bình luận
      Gửi bình luận
      Bình luận