Ông Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN nói: “Chuyển đổi số vừa là cơ hội lớn, vừa là thách thức với tất cả các Bộ, ngành, lĩnh vực, trong đó có giáo dục nghề nghiệp”.
Ngày 4/3, đoàn công tác của Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo “Khảo sát thực trạng chuyển đổi số (CĐS) tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” tại trường Cao đẳng Công nghiệp tỉnh Bắc Ninh.
Hội thảo diễn ra với sự tham gia của các cán bộ quản lý Trung ương, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh, các chuyên gia giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong và ngoài nước, đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN nói: “Chuyển đổi số vừa là cơ hội lớn, vừa là thách thức với tất cả các Bộ, ngành, lĩnh vực, trong đó có giáo dục nghề nghiệp.
Trong những năm qua, chúng ta đã triển khai những hoạt động nhất định để triển khai quá trình chuyển đổi số. Đích cuối cùng của CĐS là thay đổi cách làm trong môi trường mới chứ không phải áp dụng cách làm cũ trong môi trường mới.
Chúng ta phải thực hiện CĐS từng bước, chắc chắn, bền vững nhưng phải nhanh. và đồng bộ, phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, kết hợp các nguồn lực…”.
Theo Phó Tổng cục trưởng, diễn biến của dịch bệnh Covid-19 đã thúc đẩy tốc độ CĐS trong giáo dục nghề nghiệp. Dịch bệnh đòi hỏi GDNN phải nhanh chóng thích ứng. Tuy nhiên quá trình CĐS là cần thiết và đã diễn ra từ trước đó chứ không phải do dịch bệnh mà phát sinh. Dịch bệnh chỉ thúc đẩy CĐS trong GDNN diễn ra nhanh hơn.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình cho biết thêm: “Về cơ chế chính sách, chúng ta đang nỗ lực xây dựng cơ chế tự chủ cho các cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó là xây dựng hệ thống quản lý, hệ thống đánh giá ngoài, kiểm định chất lượng.
Mặt khác, chúng ta cũng đã và đang xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu đào tạo, tuyển dụng lao động. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đào tạo là gắn bó khăng khít và đôi bên cùng có lợi.
Thứ ba là chúng ta phát triển trình độ của các các nhà giáo, xây dựng khung tham chiếu.
Thứ tư là các trường đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo trực tuyến. Dịch bệnh Covid-19 là một bối cảnh thúc đẩy quá trình công nghệ thông tin được nhanh hơn”.
Tại buổi hội thảo, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng chia sẻ nhiều thông tin về thực trạng, định hướng CĐS ở cơ sở.
Các trường cho rằng CĐS góp phần tạo môi trường thuận lợi cho người học rèn luyện nâng cao hiểu biết về xã hội, hiểu biết về nghề nghiệp, rèn luyện phẩm chất đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp từ đó xây dựng nên một môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh; góp phần mở rộng cơ hội học tập, cơ hội tiếp cận với giáo dục hiện đại, tạo cơ hội phát triển đối với các tầng lớp lao động, nhất là thanh niên trong tỉnh Bắc Ninh.
Hiện nay với sự phát triển nhảy vọt của khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông, nhân loại đang bước sang thời kỳ quá độ của kinh tế tri thức thì CĐS là xu hướng tất yếu, để sử dụng ngày càng nhiều công nghệ mới tiên tiến, hiện đại, việc dạy nghề cũng phát triển phù hợp với xu hướng hiện đại hóa, thị trường hóa, đa dạng hóa và quốc tế hóa.
Các cơ sở GDNN thực hiện việc CĐS và CĐS thành công sẽ góp phần thay đổi phương thức đào tạo và đáp ứng việc đào tạo nguồn nhân lực, có kỹ năng nghề nghiệp, thích ứng với thay đổi nhanh trong sản xuất, thương mại và dịch vụ.
Chuyên gia giáo dục GS. TS. Hồ Tú Bảo đóng góp ý kiến cho rằng: “Cần phải hiểu rõ quy trình CĐS và nắm bắt được thực trạng hiện tại chúng ta đang ở đâu trong quá trình CĐS”.
Ông Hồ Tú Bảo nêu lên một số sự khác biệt giữa dạy và học trước và sau CĐS. Cụ thể, việc dạy học trước đây phụ thuộc nhiều vào người thầy, tuy nhiên việc CĐS sẽ chuyển thành phần trung tâm của việc dạy học là người học. Cùng với đó, phương thức học tập cũng sẽ thay đổi từ thụ động, học lý thuyết rồi mới ứng dụng thành chủ động học tập, tự định hướng, hợp tác và hứng thú dựa trên vấn đề, dự án, bối cảnh…
Tại buổi hội thảo, đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh cũng bày tỏ mong muốn trung ương có những cơ chế phù hợp với chủ trương, các thông tin hướng dẫn cụ thể để địa phương như Bắc Ninh triển khai chuyển đổi số theo đúng lộ trình cho các cơ sở GDNN tại địa bàn tỉnh.
Kết luận buổi hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia GDNN thống nhất một số phương án, ý tưởng sáng tạo để đóng góp chung cho quá trình CĐS trong GDNN. Trong đó có các ý tưởng mới và có tính ứng dụng cao như: lập thư viện số chung cho toàn ngành, tiến tới đồng bộ cơ sở dữ liệu ngành GDNN…
Mai Châm