Hà Nội: chưa có chủ trương?

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, bắt đầu từ năm học 2018-2019, các trường phổ thông tại thành phố sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin.

5 trường THPT là chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền, Nguyễn Du sẽ thí điểm mô hình trường học thông minh. Việc thí điểm này trên cơ sở xây dựng lớp học điện tử, trường học điện tử.

Cụ thể, cách đây hơn 2 tuần, trường THPT Trần Hữu Trang, TP.HCM làm bài thi giữa kỳ môn Toán, thời gian làm bài 45 phút, thông qua ứng dụng công nghệ. Thay vì làm bài thi qua giấy kiểm tra như thông thường, học sinh làm bài trực tiếp trên điện thoại, hoặc máy tính kết nối wifi của nhà trường.

Tương tự trước đó, trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) lần đầu tiên áp dụng hình thức thi trên máy tính, môn đầu tiên là Toán.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV tại các trường thuộc thành phố Hà Nội, hiện chưa có trường học nào áp dụng cho học sinh thi với hình thức thi trên máy tính bảng, điện thoại thông minh.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Khảo thì và Kiểm định Chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội ) cho biết, ở Hà Nội chưa có trường học nào áp dụng hình thức thi trên máy tính bảng, điện thoại thông minh.

“Hiện tại, Sở chưa có chủ trương thay đổi cách thi, đánh giá học sinh theo cách này”- ông Toản khẳng định.

Nên áp dụng thế nào cho hiệu quả?

Về vấn đề thi trên máy tính bảng, điện thoại thông minh, Ông Nguyễn Cao Cường, hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh, Hà Nội cho rằng, việc ứng dụng công nghệ vào thực tiễn không chỉ là khảo thí, cũng là việc nên làm. Điều quan trọng là người thực hiện cần xuất phát từ nhu cầu gì? Mục đích gì? Làm như thế nào? Và ai làm?

“Xu thế hiện tại và tương lai (nói chung chung là 4.0) thì việc ứng dụng tin học vào thực tiễn là điều nên làm”- ông Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng theo ông Cường, cần có lộ trình để chứng minh tính hiệu quả và rút ra những điểm yếu, điểm mạnh của mỗi cách thi.

Ông Đào Tuấn Đạt, hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh, Hà Nội cho rằng, việc thay đổi hình thức thi trên máy, trên điện thoại thông minh có thể áp dụng tùy vào bài thi và yêu cầu của kỳ thi. Ví dụ, việc kiểm tra trong phạm vi trường và trắc nghiệm thì nên.

Tuy nhiên, cũng theo Ông Đạt, vấn đề ra đề thi là vấn đề quan trọng. Giáo viên ra đề, thay số hay trộn đề là rất vất vả.

“Nếu lương nhà nước như hiện tại mà bắt giáo viên làm đề thêm thì không giáo viên nào muốn làm”- ông Đạt nhấn mạnh.

Là giáo viên dạy tin học của trường THPT Hoài Đức A ( Hà Nội), cô giáo Phạm Thị An cho rằng, việc thay đổi cách thi này sẽ tốt nếu trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên làm đề.

Tuy nhiên, theo cô An, các trường mà phụ huynh có điều kiện mới trang bị được cho học sinh máy tính bảng hay điện thoại thông minh chứ thi bằng máy tính ở trường hiện tại thì không thể đủ cho học sinh thi được.

Cô An cho rằng, như trường của cô dạy, có hai phòng máy gồm 50 máy tính, cả trường có tất cả 1.600 học sinh. Vì lượng các em có điện thoại, máy tính bảng cá nhân không nhiều nên nếu thi bằng máy của nhà trường phải chia làm nhiều ca.

“Nếu thi riêng rẽ từng môn, từng lớp thì có thể được chứ thi tập trung sẽ không khả thi. Nếu áp dụng với trường ít học sinh thôi chứ với các trường cơ sở vật chất chưa đủ thì khó có thể thực hiện được”- cô An chia sẻ.

Mặt khác, theo cô An, vấn đề xây dựng ngân hàng đề thi đủ lớn để cho hàng 1.600 học sinh thi không phải là điều đơn giản: “Tôi nghĩ với giáo viên già có thể tập huấn tin học cho các cô nhưng nếu làm đề mà không được hỗ trợ thêm ngoài lương thì khó có thể đòi hỏi giáo viên thay đổi thi theo cách mới này được”- cô An nói.