logo
TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG THƯƠNG HÀ NỘI
HA NOI COLLEGE OF INDUSTRY AND TRADE
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Đảm bảo trung thực, khách quan, công bằng và minh bạch
Sáng 5/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2020. Dự tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch […]
Sáng 5/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2020. Dự tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý phát biểu tại điểm cầu Hà Nội

Nhiều điểm mới trong công tác tổ chức
Thông tin tại hội nghị, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức trong 2 ngày 9 và 10/8/2020. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo, tổ chức kỳ thi tại địa phương. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có nhiều điểm mới. Cụ thể, các địa phương tỉnh, thành thuộc Trung ương tăng cường tự chủ; Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương. Đặc biệt, năm nay, các cơ sở giáo dục đại học không tham gia coi thi, chấm thi; chỉ tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu của kỳ thi. Ngoài các đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT và của Sở GD&ĐT, Thanh tra tỉnh tổ chức các đoàn thanh tra tất cả các khâu tổ chức kỳ thi theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Ngoài ra, kỳ thi năm 2020 phải tổ chức thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập bậc THPT của thí sinh.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: Thời gian tới cần rà soát toàn bộ công tác chuẩn bị cho kỳ thi; nhất là bố trí các Điểm thi, cơ sở vật chất, thiết bị CNTT, Camera, máy quét…; chú trọng công tác lựa chọn cán bộ tham gia kỳ thi (nhất là khâu trọng yếu liên quan đến đề thi/bài thi, trông thi và chấm thi) và các phương án dự phòng. Các đơn vị tổ chức tập huấn nghiệp vụ ở các cấp trước ngày 15/6 (khuyến khích có hình thức kiểm tra); tổ chức đăng ký dự thi từ 15/6-30/6; trả giấy báo dự thi cho thí sinh (chậm nhất đến 1/8). Hoàn thiện việc chuẩn bị cơ sở vật chất, hồ sơ coi thi cho các điểm thi vào ngày 4/8. Công bố kết quả thi vào 27/8…
Hà Nội chuẩn bị hơn 3.000 phòng thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT
Báo cáo công tác chuẩn bị của Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết: Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, thành phố Hà Nội dự kiến có 80.000 thí sinh đăng ký dự thi, tăng gần 2.000 thí sinh so với năm trước. Thành phố Hà Nội xác định việc tổ chức kỳ thi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, bởi vậy, hiện nay, công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi đang được tích cực triển khai, trong đó, có việc thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức kỳ thi bảo đảm rõ người, rõ trách nhiệm. Thành phố cũng sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn Quy chế thi cho tất cả cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức kỳ thi, đồng thời, phổ biến Quy chế tới toàn bộ thí sinh tham gia kỳ thi nhằm bảo đảm mọi thí sinh đều nắm vững các nội dung của Quy chế thi và chấp hành nghiêm túc.
Với quy mô thí sinh dự thi lớn, thành phố Hà Nội dự kiến chuẩn bị hơn 3.300 phòng thi với đầy đủ cơ sở vật chất, huy động hơn 10.000 người tham gia các khâu của kỳ thi, trong đó, có 8.700 người là cán bộ, giáo viên, số còn lại là nhân viên phục vụ.
UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường tổ chức dạy học theo đúng kế hoạch, hướng dẫn học sinh ôn tập nghiêm túc, bảo đảm chất lượng. Với sự chuẩn bị chu đáo, tích cực, thành phố Hà Nội quyết tâm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 bảo đảm nghiêm túc, an toàn, khách quan, trung thực.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT có ý nghĩa quan trọng
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trước khi hoàn thành cấp THPT, học sinh được trải qua kỳ thi đánh giá chất lượng trên diện rộng, để kiểm tra mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của các em so với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông. Căn cứ vào kết quả đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của các nhà trường, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để tuyển sinh.
“Việc tổ chức kỳ thi không đơn thuần là để công nhận tốt nghiệp THPT mà còn nhiều ý nghĩa quan trọng khác. Kỳ thi do đó phải đảm bảo yêu cầu nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và minh bạch”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, để kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo các trường dạy học, ôn tập bám sát hướng dẫn. Sau buổi họp này, các sở GD&ĐT tham mưu cho địa phương thành lập Ban chỉ đạo kỳ thi, hội đồng thi. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải tuyệt đối chấp hành nghiêm quy chế kỳ thi. Việc tập huấn cán bộ coi thi phải lấy chất lượng làm đầu. Công tác kiểm tra, thanh tra phải được tăng cường ngay cả trong quá trình chuẩn bị với tinh thần không lơ là, chủ quan… Chất lượng thanh tra, ngoài chuyên môn nghiệp vụ cần chú trọng vấn đề đạo đức, trách nhiệm; Tăng cường công tác truyền thông, chủ động cung cấp thông tin cho báo đài để phản ánh về kỳ thi một cách trung thực và khách quan nhất.

Quỳnh Anh

Khách hàng đánh giá
5.0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%

Chia sẻ nhận xét về sản phẩm

Đánh giá và nhận xét

Gửi nhận xét của bạn

      Bình luận
      Gửi bình luận
      Bình luận