logo
TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG THƯƠNG HÀ NỘI
HA NOI COLLEGE OF INDUSTRY AND TRADE
HIỆU TRƯỞNG: SÁNG TẠO VÀ ĐỔI MỚI NHÀ TRƯỜNG

Hiệu trưởng: Sáng tạo và đổi mới nhà trường Hiệu trưởng cần truyền được cảm hứng cho giáo viên, nhân viên để thực hiện đổi mới nhà trường. Ảnh minh họa/internet GD&TĐ –Theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo […]

Hiệu trưởng: Sáng tạo và đổi mới nhà trường

Hiệu trưởng cần truyền được cảm hứng cho giáo viên, nhân viên để thực hiện đổi mới nhà trường. 

GD&TĐ – Theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục), Hiệu trưởng phải kiến tạo được các điều kiện đầy thử thách nhưng cũng quan tâm và hỗ trợ thuận lợi cho việc học tập của mỗi học sinh.

Chuẩn hiệu trưởng ở Hoa Kỳ

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – cho biết: Ở Hoa Kỳ, những thách thức đặt ra đối với các nhà lãnh đạo giáo dục do những thay đổi về công nghệ, yêu cầu của nền kinh tế đối với năng lực học sinh trong thế kỷ 21, các điều kiện nhân khẩu học, cấu trúc gia đình, áp lực thị trường lên trường học dẫn đến yêu cầu thay đổi về năng lực cạnh tranh và tổ chức ở cấp độ cao hơn…

Dưới những áp lực đó, Hiệu trưởng cần phải đổi mới lãnh đạo trường học, truyền được cảm hứng cho giáo viên, nhân viên để thực hiện đổi mới nhà trường, có những tiếp cận sáng tạo để đổi mới trường học và thúc đẩy học tập của học sinh theo hướng phát triển năng lực.

Để làm được điều đó, Hiệu trưởng phải kiến tạo được các điều kiện đầy thử thách nhưng cũng quan tâm và hỗ trợ thuận lợi cho việc học tập của mỗi học sinh.

Họ không ngừng phát triển và hỗ trợ giáo viên, tạo điều kiện làm việc tích cực, hiệu quả phân bổ nguồn lực, xây dựng chính sách và hệ thống tổ chức phù hợp, và tham gia vào công việc có ý nghĩa khác bên ngoài lớp học và có tác động mạnh mẽ vào sự phát triển nhà trường.

Chính điều này làm cho nhu cầu tri thức ngày càng tăng và cần có tiêu chuẩn mới hướng đến sự thay đổi của các nhà lãnh đạo trường học để hướng dẫn họ thực hiện nhiệm vụ quản lý trường học hiệu quả và có lợi cho học sinh nhất.

Theo xu hướng phát triển và yêu cầu đổi mới giáo dục, một nhà trường thành công hiện nay có những đặc điểm sau:

Một là, dạy học vào hướng vào học sinh, lấy học sinh làm trung tâm;

Hai là, thực hiện tốt chương trình học, đảm bảo học sinh đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng;

Ba là, phương pháp giảng dạy tích cực hóa người học, kích thích tự học;

Bốn là, khuyến khích trao đổi chia sẻ kinh nghiệm;

Năm là, thúc đẩy, cổ vũ tinh thần hợp tác, kỹ năng làm việc nhóm;

Sáu là, đẩy mạnh bồi dưỡng, phát triển chuyên môn cho đội ngũ giáo viên (Hiệu trưởng có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên; khuyến khích giáo viên tích cực học hỏi, thường xuyên dự giờ, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn; thiết lập quy trình, công cụ giám sát, đánh giá khen thưởng hợp lý, nhằm thúc đẩy giáo viên cải thiện, nâng cao chuyên môn);

Bảy là, chia sẻ vai trò lãnh đạo( hiệu trưởng và các giáo viên phải cùng làm việc, cùng hoạt động với tinh thần hợp tác và công tác);

Tám là, nuôi dưỡng lăng lực giải quyết vấn đề một cách sáng tạo;

Chín là, xây dựng mối quan hệ thân thiện, hỗ trợ gần gũi với cộng đồng (Nhà trường luôn luôn hỗ trợ cộng đồng, cung cấp các dịch vụ có chất lượng tốt về giáo dục cho cộng đồng và ngược lại cộng đồng luôn luôn hỗ trợ lại nhà trường).

Hiệu trưởng liên tục đổi mới quản lý trường học để thúc đẩy thành công học tập và hạnh phúc của mỗi học sinh. Ảnh minh họa/internet
10 tiểu chuẩn cụ thể của Chuẩn hiệu trưởng

Thứ nhất – Sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi: Hiệu trưởng là người phát triển, người ủng hộ và ban hành một sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi được chia sẻ, hướng đến giáo dục chất lượng cao, thành công trong học tập và hạnh phúc của mỗi học sinh.

Thứ 2 – Đạo đức nghề nghiệp: Hiệu trưởng hành động theo đạo đức nghề nghiệp để thúc đẩy thành công học tập và hạnh phúc của mỗi học sinh.

Thứ 3 – Công bằng giáo dục: Hiệu trưởng phấn đấu cho sự bình đẳng về cơ hội giáo dục và đáp ứng thực tiễn về mặt văn hóa để thúc đẩy thành công trong học tập và hạnh phúc của mỗi học sinh.

Thứ 4 – Phát triển, thực hiện chương trình giáo dục, giảng dạy và đánh giá học sinh: Hiệu trưởng phát triển và hỗ trợ thực hiện nghiêm túc chương trình giảng dạy, hướng dẫn trong dạy học và đánh giá để thúc đẩy thành công trong học tập và hạnh phúc của mỗi học sinh.

Thứ 5 – Xây dựng cộng đồng nhà trường hỗ trợ, chăm sóc học sinh: Hiệu trưởng nuôi dưỡng một môi trường học tập thân thiện, cộng đồng nhà trường có hỗ trợ, thúc đẩy học tập thành công và hạnh phúc của mỗi học sinh.

Thứ 6 – Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên, nhân viên: Hiệu trưởng phát triển năng lực nghề nghiệp và thực hành của giáo viên, nhân viên nhà trường để thúc đẩy học tập thành công và hạnh phúc của mỗi học sinh.

Thứ 7 – Xây dựng cộng đồng học tập, môi trường sư phạm cho giáo viên, nhân viên: Hiệu trưởng nuôi dưỡng một môi trường sư phạm của giáo viên và nhân viên để thúc đẩy học tập thành công và hạnh phúc của mỗi học sinh.

Thứ 8 – Phối hợp, cam kết với gia đình và cộng đồng: Hiệu trưởng phối hợp với gia đình và cộng đồng theo cách có ý nghĩa và cam kết cùng có lợi để thúc đẩy thành công trong học tập và hạnh phúc của mỗi học sinh.

Thứ 9 – Quản lý hoạt động học và các nguồn lực: Hiệu trưởng quản lý hoạt động học và các nguồn lực để thúc đẩy thành công học tập và hạnh phúc của mỗi học sinh.

Thứ 10 – Đổi mới và phát triển: Hiệu trưởng liên tục đổi mới quản lý trường học để thúc đẩy thành công học tập và hạnh phúc của mỗi học sinh.

Bài viết được biên tập, lược ghi từ tham luận của PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền tại Hội thảo Chuẩn hiệu trưởng và phát triển chương trình, tài liệu, tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Nguồn: baomoi.com

Khách hàng đánh giá
5.0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%

Chia sẻ nhận xét về sản phẩm

Đánh giá và nhận xét

Gửi nhận xét của bạn

      Bình luận
      Gửi bình luận
      Bình luận