Trong chuỗi Chương trình “Đưa trường học đến thí sinh năm 2019”, Báo Người Lao Động vừa tổ chức buổi tọa đàm chủ đề “Vừa làm vừa học, đào tạo từ xa”. Tham gia chương trình có PGS-TS Vũ Hữu Đức, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM; thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch; thạc sĩ Trần Hoàng Cẩm Tú, Viện trưởng Viện E-learning Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Nhiều cơ hội học ĐH

Đã trở thành quán tính, học sinh sau khi hoàn thành THPT thường có xu hướng vào thẳng ĐH theo hình thức đào tạo chính quy tập trung. Nhưng, học ĐH không chỉ có con đường đó.

PGS-TS Vũ Hữu Đức cho biết hình thức đào tạo từ xa có nhiều nhóm đối tượng, trước kia là những người đã đi làm cần bổ sung kiến thức để đáp ứng nhu cầu công việc, người muốn chuyển ngành, người lớn tuổi đi học để có kiến thức (nhóm đối tượng phổ biến, từ 60-70 tuổi)… Trong những năm gần đây, thêm đối tượng mới là sinh viên, hoặc những bạn sau khi học xong phổ thông đi làm rồi sau đó quay lại học tiếp.

Ở loại hình đào tạo từ xa, người học qua tài liệu có hướng dẫn của giảng viên mà thông thường sẽ được đọc tài liệu trước, có thể lên web xem trước bài giảng, sau đó thứ bảy và chủ nhật nghe giảng viên dạy lại. Phương thức khác là trực tuyến, từ 2016 phương thức này bắt đầu nở rộ, đến 90% học qua mạng, chỉ đến trường để học những môn thực hành nên hết sức linh hoạt, tiết kiệm thời gian, vừa đi làm vừa đi học mở mang kiến thức.

Thạc sĩ Trần Hoàng Cẩm Tú nhìn nhận đối tượng tuyển sinh hệ đào tạo từ xa rất đa dạng, không giới hạn đối tượng, có thể vừa tốt nghiệp phổ thông hay đã có bằng trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, ĐH đều học được. Phương thức tuyển sinh ở các trường là xét tuyển đầu vào chứ không thi. Từ năm 2000 bắt đầu kỷ nguyên internet nên hình thức học trực tuyến cũng được phổ biến, người học có thể học ở bất kỳ nơi nào. Tuy nhiên, học từ xa phải thực sự nỗ lực vì nó sẽ mất đi một số lợi thế, sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên cũng hạn chế, để có hiệu quả trong việc học từ xa chủ yếu dựa vào yếu tố người học, yếu tố khả năng đào tạo của từng trường, nền tảng công nghệ đào tạo từ xa….

Theo PGS-TS Vũ Hữu Đức, hệ đào tạo vừa làm vừa học khá đặc thù so với hệ đào tạo từ xa, sinh viên phải đến lớp đầy đủ, các quy chế chương trình đào tạo như chính quy.

Đào tạo từ xa thu hút người trẻ - Ảnh 1.

Các khách mời trao đổi tại trường quay Báo Người Lao Động. Ảnh: TẤN THẠNH

Người học quyết định giá trị bằng cấp

Hệ đào tạo từ xa như trường ĐH không giảng đường, giúp người học bỏ qua rất nhiều rào cản từ gia đình, công việc để theo học ngành mình mong muốn.

Thạc sĩ Trần Hoàng Cẩm Tú cho rằng để một chương trình đào tạo từ xa thành công và có sức hút thì cơ sở hạ tầng, hệ thống, nguồn học liệu phải phong phú, thu hút, hấp dẫn người học. Đội ngũ hỗ trợ, giảng viên cũng phải là người có kiến thức và kinh nghiệm thực tế. Trong quá trình xây dựng học liệu, mỗi đơn vị đào tạo từ xa phải học hỏi cái mới, bảo đảm chất lượng chuyên môn, tính sư phạm.

Bổ sung thêm, PGS-TS Vũ Hữu Đức cho rằng hệ thống đào tạo từ xa dựa trên phần mềm, hệ thống này phải tạo ra được sự tương tác giữa người dạy và người học, đây là thuận lợi cũng là thách thức với những nền tảng công nghệ để thu hút người học.

Ở Trường ĐH Mở TP HCM, hệ đào tạo từ xa có nhiều ngành thuộc loại bền vững tức là luôn có nhu cầu, như khối ngành quản trị kinh doanh, kế toán. Những ngành hot: luật kinh tế, quản lý công, hành chính công… Hiện nay, một thách thức lớn với hệ đào tạo từ xa là đào tạo khối ngành kỹ thuật, như công nghệ thông tin, xây dựng, tỉ lệ học không cao và đào tạo rất khó. Tuy nhiên, trên thế giới đã có những phần mềm giảng dạy mô phỏng những khối ngành kỹ thuật.

Những người học xong chương trình đà tạo từ xa sẽ được cấp bằng ĐH, tương đương bằng chính quy, người học có thể học cao hơn ở các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Theo thạc sĩ Trần Hoàng Cẩm Tú, người học không nên lo lắng về giá trị bằng cấp vì giá trị pháp lý tương đương bằng ĐH chính quy. Bằng cấp có giá trị hay không do chính giá trị bản thân người học quyết định.

Linh hoạt vừa làm vừa học

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà cho biết Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chỉ đào tạo hệ vừa làm vừa học ở trình độ ĐH ngành điều dưỡng. Nguồn tuyển của ngành này rất lớn. Chương trình học tương tự như hệ chính quy tập trung. Vì là hệ vừa làm vừa học nên giờ học được sắp xếp linh hoạt. Thường hệ chính quy có thời gian đào tạo tối thiểu là 4 năm nhưng đối với hệ vừa làm vừa học có thể lâu hơn.