logo
TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG THƯƠNG HÀ NỘI
HA NOI COLLEGE OF INDUSTRY AND TRADE
TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2019 KHỐI NGÀNH SỨC KHỎE: SIẾT CHẶT ĐẦU VÀO, CHĂM CHÚT ĐẦU RA

Quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề nhằm củng cố nền tảng, mang đến đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong tương lai. Điều 34 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục […]

Quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề nhằm củng cố nền tảng, mang đến đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

Điều 34 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 ghi rõ: “Quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề…”.

 

Như vậy, khi Luật Giáo dục đại học mới có hiệu lực, khối ngành sức khỏe sẽ có điểm sàn riêng, tác động trực tiếp công tác tuyển sinh trong thời gian tới, có vai trò như một giải pháp góp phần nâng cao chất lượng ngành y tế trong tương lai.

Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, nhóm ngành thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng vô cùng quan trọng, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người, không thể nào sơ sẩy, bởi sức ảnh hưởng và sự nguy hiểm là vô cùng nghiêm trọng.

Trước nhiệm vụ “sẵn sàng thực hiện Nghị quyết của Đảng về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới”, ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh cho rằng “chắc chắn đội ngũ nhân lực có ý nghĩa hàng đầu”.

Vì thế, bà khẳng định: “Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất tốt nhất, máy móc, thiết bị cho các cơ sở y tế, các bệnh viện, đội ngũ nhân lực có ý nghĩa quyết định, phải đảm bảo trình độ chuyên môn, biết vận dụng để điều chỉnh máy móc, thiết bị, các ứng dụng công nghệ cao”.

Giáo dục - Tuyển sinh đại học 2019 khối ngành sức khỏe: Siết chặt đầu vào, chăm chút đầu ra

Siết chặt đầu vào để góp phần đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

Để đảm bảo cho đội ngũ nhân lực chăm sóc sức khỏe sắp tới, bà Hạnh khẳng định: “Cần phải “siết chặt” đầu vào, coi đó như một cơ sở, nền tảng, để đào tạo nhân lực, như bước đầu để đào tạo đảm bảo có chất lượng “sản phẩm” đầu ra tốt.

Việc cử tuyển ưu tiên cho nhóm đối tượng ưu tiên, cho dù đầu vào có dễ dàng hơn một phần, nhưng phải đào tạo thật nghiêm túc, cho đầu ra phải là một đội ngũ có trình độ đồng đều như nhau, ít nhất phải đảm bảo mặt bằng chung, tiêu chuẩn chung để hành nghề. Siết đầu vào cũng tốt, nhưng mấu chốt quan trọng là đầu ra, đội ngũ đào tạo được có tốt hay không?”.

Bà Hạnh cũng đưa ra một minh chứng: “Hồi ở Bình Phước, tôi cũng đã từng đến TP.Hồ Chí Minh để kêu gọi đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực y tế về hoạt động tại địa bàn tỉnh rất nhiều vì thiếu trầm trọng đội ngũ y bác sĩ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Khi vào thực tế mới biết, nhiều sinh viên thi đỗ vào trường, nhưng không đủ trình độ theo chương trình, phải bỏ dở giữa chừng, chuyển sang học cái khác. Thậm chí, có những em đã học tới 2, 3 năm nhưng năng lực không đủ để thực hành, theo kịp cấp độ dạy của giảng viên”.

“Bộ GD&ĐT mong muốn siết chuẩn đầu vào để có thể đảm bảo theo được toàn bộ chương trình. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng. Mục tiêu đầu vào phải tốt để đảm bảo năng lực, lực học của sinh viên đáp ứng yêu cầu ngành. Nếu năng lực đầu vào “nới lỏng” quá, không đủ trình độ để lĩnh hội hết theo mặt bằng đào tạo. Cấp độ học sẽ cao hơn và yêu cầu nhận thức của người học cũng phải nâng tầm phù hợp với tất cả”, bà Hạnh cho biết.

ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh cũng nhận định: “Áp lực sắp tới, sinh viên có thể sẽ ít hơn, tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực sẽ tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, quá trình đào tạo sẽ đưa ra những sản phẩm thực sự ưu tú. Chúng ta đang trên con đường cách mạng công nghiệp 4.0, rất cần những nguồn nhân lực chất lượng cao, vì thế phải từng bước xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ấy”.

Giáo dục - Tuyển sinh đại học 2019 khối ngành sức khỏe: Siết chặt đầu vào, chăm chút đầu ra (Hình 2).

ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh đánh giá việc nâng cao chuẩn đầu vào nhằm đảm bảo năng lực và trình độ sinh viên bắt kịp chương trình giáo dục của khối ngành sức khỏe.

GS. TS. Nguyễn Anh Trí, ĐBQH đoàn TP.Hà Nội đánh giá: “Xu hướng điểm sàn đối với các ngành sức khỏe, đặc biệt đào tạo bác sĩ cao chất lượng hơn, bởi vì đó là ngành liên quan trực tiếp đến tính mạng của con người. Xem lại toàn bộ điểm chuẩn đầu vào các trường thuộc lĩnh vực y tế nói chung từ năm 1976 đến nay, hầu hết luôn thuộc top những trường điểm cao, cao nhất. Vì vậy, áp những tiêu chí tuyển sinh cao hơn cũng là điều nên làm để nâng cao chất lượng”.

Ông cho biết: “Thực tiễn trong sự nghiệp của tôi cho thấy, thực sự ngành y tế cần những người có học lực từ khá trở lên, học lực giỏi thì càng tốt ngay từ cấp học phổ thông.

Bên cạnh đó, sinh viên theo ngành còn phải là con người say mê và quyết tâm học tập. Ngành nào giỏi cũng cần đam mê, tâm huyết nhưng ngành y tế còn cần nhiều hơn”.

“Trong thực tế, có nhiều trường ngoài công lập đào tạo khối ngành sức khỏe, có thể để điểm sàn thấp hơn một chút so với công lập, còn nhiều quá thì không nên, đặc biệt là đào tạo bác sĩ y khoa”, ông nhấn mạnh.

“Nghề y là nghề học từ thực tiễn”

Đó là nhận định của GS. TS. Nguyễn Anh Trí về những ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe. Theo ông, trong chương trình giảng dạy đối với tất cả các ngành thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nói chung, từ bác sĩ đa khoa, y tá, điều dưỡng đến nhân viên xét nghiệm… đều phải ưu tiên thực tập, học từ thực tiễn.

GS. TS. Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh: “Để minh chứng rõ hơn, các cán bộ y tế giỏi đầu ngành, hiện đang nắm giữ những vai trò chủ chốt của đất nước đều trưởng thành từ hệ đào tạo bác sĩ nội trú, ưu tiên thực tập 24/24 giờ tại bệnh viện”.

Giáo dục - Tuyển sinh đại học 2019 khối ngành sức khỏe: Siết chặt đầu vào, chăm chút đầu ra (Hình 3).

GS. TS. Nguyễn Anh Trí khẳng định: “Nghề y là nghề học từ thực tiễn”.

Đồng quan điểm đó, ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh cũng cho rằng: “Tuyển sinh có chất lượng đến đâu, cũng phải đảm bảo sau khi tốt nghiệp, đội ngũ đó làm được việc. Không ít các y, bác sĩ còn trẻ, vì chưa có kinh nghiệm, nên sau khi tốt nghiệp xong cũng không dám làm theo đúng chuyên ngành đã học. Không có môi trường để tiếp xúc và thực hành đúng chuyên ngành, sinh viên rất khó có kinh nghiệm để làm việc trong thực tiễn”.

Bà Tôn Ngọc Hạnh dẫn chứng: “Một sinh viên ngành bác sĩ đa khoa mới tốt nghiệp từng tâm sự với tôi: “Em học xong nhưng để em vào phòng mổ là không dám mổ”. Thậm chí có nha sĩ lại không dám nhổ răng vì áp lực tâm lý… Những lời ấy là thật lòng mà có lý! Sinh viên vừa ra trường “chân ướt chân ráo”, cầm tấm bằng đại học trong tay chắc gì đã sẵn sàng cứu chữa người bệnh ngay.

Muốn làm được việc, những sinh viên ngành này phải có giai đoạn học việc, có thể từ 1 đến 2 năm, theo chân những bác sĩ giỏi, làm quen với công việc, thực hành để có kinh nghiệm từ từ từng bước một. Không gì quan trọng bằng kỹ năng hành nghề”.

Số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2017, trên cả nước có gần 200 cơ sở đào tạo về lĩnh vực y tế, riêng ngành Y đa khoa có 24 trường. Theo số liệu, trung bình mỗi năm các bệnh viện cần khoảng hơn 5.000 bác sĩ, hơn 1.400 dược sĩ, hơn 10.000 điều dưỡng và hơn 5.000 chuyên viên y tế, sức khỏe khác. Đối với các chuyên môn về y tế dự phòng, các bệnh viện cần khoảng hơn 2.000 ứng viên có tay nghề và trình độ chuyên môn.

Tính đến hết năm 2017 cả nước có 8 bác sĩ/10 nghìn dân. Theo Kế hoạch phát triển nhân lực ngành y tế giai đoạn 2015 – 2020, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 9 bác sĩ, 2 dược sĩ đại học và 16 điều dưỡng/10 nghìn dân. Bộ Y tế dự báo đến năm 2020, hệ thống cần bổ sung 55.254 bác sĩ, 10.887 dược sĩ đại học, 83.851 điều dưỡng.

Khách hàng đánh giá
5.0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%

Chia sẻ nhận xét về sản phẩm

Đánh giá và nhận xét

Gửi nhận xét của bạn

      Bình luận
      Gửi bình luận
      Bình luận